“El Nino sẽ đảo lộn cuộc sống, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng”

Cơ quan khí tượng VN đang đặc biệt quan tâm tới sự xuất hiện của El Nino, hiện tượng thời tiết nguy hiểm gắn liền với hạn hán, nắng nóng, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. VnExpress vừa trao đổi với TS. Hoàng Đức Cường, Trưởng phòng Khí hậu, Trung tâm Nghiên cứu khí tượng khí hậu, về hiện tượng này.

– Thưa ông, đến giữa tháng 11, khả năng xuất hiện trở lại của El Nino như thế nào?

TS Hoàng Đức Cường. (Ảnh: H.K)

– El Nino là hiện tượng dị thường theo chiều hướng ấm lên của mặt nước biển ở xích đạo Thái Bình Dương. Chỉ tiêu để khẳng định El Nino là nhiệt độ trung bình của vùng xích đạo Thái Bình Dương cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C và hiện tượng đó kéo dài liên tục ít nhất 5-6 tháng. Đến cuối tháng 10, chúng tôi đã cảnh báo khả năng xuất hiện của El Nino là 80%.

Theo bản tin mới nhất của Trung tâm dự báo khí hậu Mỹ ngày 9/11, các điều kiện của El Nino đang tiếp tục, mặt nước biển ở xích đạo Thái Bình Dương đã vượt 0,5 độ C so với bình thường, và quan sát thấy ở hầu hết xích đạo Thái Bình Dương. Nếu so sánh với nửa tháng trước đó, thì nước biển còn nóng hơn, phạm vi rộng hơn.

Số liệu từ tháng 7 đến tháng 10 cho thấy nhiệt độ mặt nước biển ở vùng xích đạo Thái Bình Dương tăng lên rất nhanh. Nếu tính lũy tiến thì đến nay, hiện tượng này đã kéo dài 5 tháng và nó sẽ chính thức được công bố vào tháng 12, kéo dài đến 4-5/2007. Đỉnh điểm của El Nino là vào khoảng cuối tháng 12 và đầu tháng 1/2007.  

– Tại Việt Nam, cơ quan khí tượng đã ghi nhận được dấu hiệu gì về sự trở lại của El Nino?

Dấu hiệu nhận thấy là mùa đông năm nay bắt đầu chậm hơn. Hiện là thời điểm bước vào chính đông (tháng 12/2006 và 1/2007), nhưng trời vẫn chưa rét. Thứ hai, mùa bão năm nay ít hơn hẳn, số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến VN chỉ là 2-3, trong khi các năm là 5-6. Thứ ba, theo thống kê, lượng mưa ven biển Nam Trung Bộ thấp hơn so với trung bình rất nhiều. Tháng 10-11 là mùa mưa của phía nam Nam Trung Bộ, tính từ Bình Định tới Ninh Thuận, Bình Thuận, trong đó lượng mưa tháng 10 chiếm đến 30-40% tổng lượng mưa của năm. Nhưng tháng 10, lượng mưa chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ.

– El Nino sẽ gây tác động thế nào đến thời tiết Việt Nam?

– Thông thường những năm El Nino cường độ gió mùa tây nam (mùa hè) đến yếu và muộn hơn bình thường. Gió tây nam lại liên quan mật thiết đến mùa mưa ở Nam Bộ và Tây Nguyên. Việc gió mùa đến muộn và yếu đồng nghĩa mùa mưa ở hai khu vực trên đến muộn hơn, bình thường là giữa tháng 4, muộn hơn có thể là cuối tháng 4, đầu tháng 5, thậm chí đợt El Nino 1997-1998 phải đến tháng 6. Điều này rất nguy hiểm cho nông nghiệp, bởi trước đó là thời kỳ khô hạn, ít mưa.

Vào những năm El Nino, số đợt gió mùa đông bắc tác động đến miền Bắc ít hơn bình thường, tập trung hơn vào giữa mùa đông (tháng 12 và 1) và kết thúc sớm hơn. Thông thường tháng 4-5 còn có rét nàng Bân, nhưng vào những năm El Nino thì không còn. Như vậy có thể nói mùa đông 2006-2007 ở Bắc Bộ sẽ ấm áp, tất nhiên không loại trừ có đợt rét đậm, hại. Hiện trạng mưa phùn vào cuối đông, đầu xuân ít hơn. Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và trung du Bắc Bộ nhiều khả năng thiếu nước sinh hoạt và nông nghiệp, bắt buộc phải tính đến phương án điều tiết nước.

Khi có El Nino, bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện ít hơn, và có tính chất tập trung một chút vào đầu mùa. Nhưng đặc biệt nguy hiểm là sẽ xuất hiện những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trái quy luật, đổ bộ vào những nơi ít đổ bộ, đường đi lắt léo. Ví dụ, thông thường vào cuối năm, bão đi qua Philippines vào biển Đông thì do tác động của không khí lạnh ở phía bắc, bão có xu hướng dịch xuống phía nam. Nhưng khi có El Nino thì quy luật đó bị đảo lộn hoàn toàn. Ví dụ năm 1997, El Nino xuất hiện có cơn bão Linda đổ bộ vào Cà Mau. Tuy cường độ bão không mạnh, nhưng lại đổ bộ vào vị trí hàng trăm năm nay bão không vào nên gây thiệt hại rất lớn. 

Vào những năm El Nino, nhiệt độ sẽ cao hơn khoảng 1 độ C so với bình thường và ở tất cả các vùng. Nhiều nơi đạt trên 41-42 độ C.

– Nếu làm phép so sánh với các đợt El Nino trước, ông nhận định thế nào về đợt El Nino này?

– Trong 50 năm qua có khoảng 15-16 đợt El Nino đã được ghi nhận. Trong đó năm 1997-1998 là kỷ lục nhất từ trước đến nay, tác động tới khí hậu toàn cầu, gây suy thoái kinh tế ở châu Á. Gần đây nhất El Nino yếu hơn, tác động nhẹ nhàng hơn là vào 2002 và 2004. Nếu so sánh, El Nino 2006-2007 cường độ mạnh hơn so với El Nino năm 2002 và 2004, nhưng yếu hơn rất nhiều so với 1997-1998.

Một đặc điểm nữa, El Nino 2006-2007 là cực kỳ đặc trưng về thời gian xuất hiện, đúng vào dịp Giáng sinh. Thời gian tồn tại 6 tháng là tương đối ngắn. Thông thường El Nino kéo dài 10-12 tháng.

– Việc liên tiếp xuất hiện El Nino có liên quan gì đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu?

Có hai hướng nghiên cứu, một hướng chúng tôi rất đồng tình là hiện tượng biến đổi khí hậu, biểu hiện chính là sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, dẫn đến mặt nước biển nóng hơn, từ đó dẫn sự gia tăng của El Nino. Hướng thứ hai là nóng lên toàn cầu làm gia tăng sự bốc hơi của nước biển vào khí quyển, làm độ ẩm trong khí quyển tăng lên, dẫn đến quá trình đối lưu mạnh mẽ hơn, mưa nhiều hơn, gia tăng La Nina.

Tựu trung 2 kết luận này đi đến một nhận định chung nhất là trạng thái cực đoan của khí quyển đại dương ở khu vực Thái Bình Dương sẽ gia tăng nhiều hơn, hoặc El Nino hoặc La Nina. Cả hai hiện tượng này đều tác động xấu tới khí hậu toàn cầu. Nếu El Nino thì là hạn hán và nắng nóng, nếu La Nina thì là mưa lớn và lũ lụt.

10 năm qua, El Nino gây thiệt hại gần chục nghìn tỷ đồng

El Nino năm 1997-1998: Diễn ra ở hầu khắp đất nước do mùa mưa năm 1997 kết thúc sớm 1 tháng, lượng mưa 6 tháng đầu năm chỉ đạt 30-70% trung bình nhiều năm, có nơi 2-3 tháng không mưa; nhiều đợt nắng nóng kéo dài; mực nước trên các sông suối xuống thấp.

Lúa đông xuân hạn 253.988 ha, trong đó mất trắng 30.739 ha. Lúa hè thu hạn 359.821 ha, trong đó mất trắng 68.590 ha. Lúa mùa hạn 153.072 ha, trong đó mất trắng 22.689 ha. Cây công nghiệp và ăn quả hạn 236.413 ha, trong đó chết 50.917 ha. Cả nước có 3,1 triệu người thiếu nước sinh hoạt. Tổng giá trị thiệt hại 5.000 tỷ đồng.

El Nino năm 2002 (từ tháng 2 đến tháng 8): Tổng thiệt hại là 2.060 tỷ đồng.

(Nguồn: Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Hồng Khánh thực hiện

 

Theo Vnexpress