Enzyme có thể biến nước mắt thành nguồn sản xuất điện

Một loại enzyme tìm thấy trong nước mắt có khả năng chuyển năng lượng cơ học thành năng lượng điện.

Các nhà khoa học Ireland phát hiện loại enzyme tên lysozyme có thể biến nước mắt thành nguồn phát điện, theo Live Science. Ngoài nước mắt, lysozyme còn tồn tại trong nước bọt và sữa động vật có vú, Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 2/10 trên tạp chí Vật lý Ứng dụng.

Lysozyme là chất kháng khuẩn, chuyên tấn công thành tế bào của vi khuẩn và khiến chúng yếu đi. Khi lysozyme ở dạng tinh thể, nó dường như có cả một đặc tính gọi là hiện tượng áp điện (piezoelectricity), có nghĩa enzyme có thể chuyển đổi năng lượng cơ học thành năng lượng điện.


Nước mắt có thể trở thành nguồn điện trong tương lai. (Ảnh: aastock).

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Aimee Stapleton, nghiên cứu sinh vật lý ở Đại học Limerick, Ireland, hiện tượng áp điện được sử dụng ở mọi nơi quanh chúng ta. Ví dụ, các vật liệu áp điện như tinh thể thạch anh dùng trong điện thoại di động và sóng âm dưới biển sâu.

Trên thực tế, những vật liệu như xương, gỗ, gân và protein (bao gồm collagen và keratin) cũng có đặc tính áp điện, theo nghiên cứu. “Nhưng khả năng phát điện từ loại protein đặc biệt này (lysozyme) chưa từng được khám phá”, Stapleton nói.

Để nghiên cứu đặc điểm áp điện của lysozyme, các nhà khoa học xoa dạng tinh thể của enzyme lên màng phim. Sau đó, họ tác dụng lực cơ học lên những màng phim này và ghi lại lượng điện sinh ra.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy lysozyme có thể sản xuất điện tốt không kém thạch anh. Nhưng lysozyme là vật liệu sinh học nên có thể ứng dụng trong y khoa. “Lysozyme không độc hại nên có nhiều ứng dụng mới như lớp phủ kháng khuẩn có hoạt tính điện hóa cho thiết bị cấy ghép y tế”, Stapleton nói.

Các nhà nghiên cứu cho rằng trong tương lai, lysozyme có thể được dùng để cung cấp năng lượng cho những thiết bị sinh học hoạt động trong cơ thể người. Loại enzyme này cũng có thể sử dụng để kiểm soát giải phóng thuốc trong cơ thể.

 

Theo VnExpress