Theo nguồn tin báo chí tại châu Âu, hồi đầu tháng này, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã ký 3 hợp đồng tại London (Anh) để mua 8 vệ tinh và đặt mua 3 bệ phóng mới cho hệ thống định vị bằng vệ tinh Galileo.
Tám vệ tinh mới được mua từ OHB System AG của Đức với giá 250 triệu euro. OHB đã đồng ý cung cấp 14 vệ tinh. Hợp đồng thứ hai được ký kết với Arianespace của Pháp để đặt mua ba bệ phóng vệ tinh dùng tên lửa Ariane 5, với một khoản phí đặt cọc khoảng 30 triệu euro. Chi phí thực để mua các bệ phóng hiện chưa được xác định.
Hợp đồng thứ ba đã được ký với Astrium SAS của Pháp để mua các tên lửa Ariane 5, có thể mang theo bốn vệ tinh Galileo cùng lúc, với giá gần 30 triệu euro. Các vệ tinh Galileo hiện đang được phóng theo từng cặp sử dụng tên lửa Soyuz của Nga. Thời gian hoạt động của chương trình vệ tinh này dự kiến bắt đầu vào năm 2014.
Ông Antonio Tajani, Ủy viên châu Âu phụ trách kinh doanh và doanh nghiệp, nhận xét những hợp đồng mới được ký thể hiện các bước tiến hành cụ thể của chương trình là “đúng thời hạn và trong phạm vi ngân sách”. Ông nói thêm rằng các đơn đặt hàng này sẽ đẩy nhanh tiến trình chuyển giao các vệ tinh và bệ phóng. Các vệ tinh sẽ được phóng đi từ Guyana (Pháp).
Hệ thống định vị Galileo – được đặt theo tên của nhà thiên văn học người Italy Galileo Galilei để tưởng nhớ những đóng góp của ông – là một hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GPS) được Liên minh châu Âu xây dựng và là một dự án mang tính chiến lược đối với châu Âu.
Dự án chứng tỏ sự trưởng thành và phát triển của châu Âu trong lĩnh vực công nghệ thông tin qua vệ tinh, đồng thời giúp châu lục này khẳng định tính độc lập, mang lại nhiều lợi ích kinh tế và nâng cao vị thế của châu Âu trong quan hệ đối ngoại.
Galileo khác với GPS của Mỹ và GLONASS của Liên bang Nga ở chỗ nó là một hệ thống được điều hành và quản lý bởi các tổ chức dân dụng, phi quân sự. Kế hoạch đưa hệ thống định vị Galileo vào hoạt động chính thức hiện bị chậm 3-4 năm so với kế hoạch ban đầu.
Theo Vietnam+