EU áp hạn ngạch khí thải đối với hàng không

Liên minh châu Âu (EU) vừa cho biết vẫn quyết định áp hạn ngạch khí thải đối với các hãng hàng không ra vào không phận EU, bất chấp sự phản đối của Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

>>>Ấn Độ, Nga, Mỹ, Trung bàn về thuế khí thải của EU

Tuyên bố trên được EU đưa ra trước thềm cuộc gặp tại Mátxcơva, Nga vào ngày 21/2 của đại diện các nước không nhất trí với quyết định nói trên của EU.

Trước đó, nhằm mục đích đi đầu trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu, các nước EU đã thông qua quyết định áp thuế đối với khí thải gây hiệu ứng nhà kính dioxít cácbon (CO2).

Từ tháng 1/2012, các hãng hàng không đi và đến hoặc bay qua không phận EU sẽ phải mua giấy phép từ Cơ chế trao đổi hạn ngạch khí thải (ETS) của tổ chức này đối với 15% lượng khí CO2 mà mỗi chuyến bay xuyên Đại Tây Dương thải ra.


Khí thải từ ngành công nghiệp hàng không chiếm 3% tổng lượng khí thải nhà kính.

Theo tính toán, chi phí cho mỗi giấy phép như vậy vào khoảng hơn 6 euro/hành khách. Có khoảng gần 4.000 hãng hàng không trên thế giới sẽ phải chịu sự điều chỉnh của quyết định nói trên.

Bất chấp sự phản đối của hầu hết các thành viên trong Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), EU vẫn thông qua kế hoạch áp dụng hạn ngạch khí thải hàng không với tất cả các chuyến bay trong khu vực này.

EU yêu cầu các máy bay đi và đến hoặc trong không phận EU cần phải có quy trình, hệ thống, con người cụ thể với mô tả công việc rõ ràng; có phương pháp khoa học hợp lý; có danh mục tài liệu đi kèm, để đảm bảo xác định lượng khí thải một cách chính xác nhất. Kế hoạch giảm hạn ngạch khí thải buộc các hãng hàng không phải cắt giảm 3% lượng khí thải trong năm 2012 và 5% từ năm 2013.

Các hãng hàng không có thể vượt mức hạn ngạch quy định, nhưng họ sẽ phải trả phí hoặc cũng có thể mua hạn ngạch từ các ngành không nghiệp ít ô nhiễm khác.

EU cho biết, khí thải từ ngành công nghiệp hàng không chiếm 3% tổng lượng khí thải nhà kính của EU, cao hơn nhiều so với nhiều ngành công nghiệp khác, chẳng hạn như thép.

Kể từ năm 1990, khí thải từ ngành hàng không đã tăng gấp đôi, nếu không kiểm soát chặt chẽ, nó có thể tiếp tục tăng gấp đôi vào năm 2020.

 

Theo Vietnam+