Kết quả nghiên cứu khả năng tái tạo các tế bào nhận biết âm thanh sau khi bị mất thính giác ở gà làm dấy lên hy vọng về sự ra đời của một phương pháp đảo ngược chứng điếc ở người.
Khả năng phân biệt cao độ và nghe được khác biệt giữa các từ có âm thanh tương đồng phụ thuộc vào những tế bào chuyên biệt ở bên trong ốc tai, một cấu trúc xoắn ốc nhỏ ở vùng tai trong. Các tế bào này được gọi là “tế bào lông” và có khả năng bị tổn hại.
Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã phát hiện ra yếu tố điều khiển sự phát triển và sự sắp xếp của những tế bào nhạy cảm thính giác trên thông qua nghiên cứu loài gà. Khác với con người, gà có khả năng tái tạo những tế bào nhận biết âm thanh sau khi mất thính giác.
Theo báo cáo nghiên cứu của Trường Y thuộc Đại học Virginia và Viện nghiên cứu Điếc và các rối loạn giao tiếp quốc gia Mỹ, nếu giới khoa học có thể hiểu rõ nguyên nhân khiến các tế bào của gà tái phát triển, họ một ngày nào đó có thể tái tạo quá trình này ở người nhằm đảo ngược việc mất thính giác.
Không giống con người, gà có khả năng khôi phục thính giác bị mất trong vòng vài tuần. (Ảnh: Corbis)
Nhà nghiên cứu Jeffrey Corwin cho biết, nếu người và gà được cho nghe một âm thanh đủ lớn để phá hủy khả năng nghe một cao độ nhất định, hậu quả sẽ rất khác nhau. Ông nói: “Chúng ta sẽ mất khả năng nghe âm thanh đó suốt phần đời còn lại. Gà cũng mất khả năng đó, nhưng chỉ trong vòng 10 ngày, chúng đã khôi phục được các tế bào nhạy cảm thính giác, gắn chặt chúng trở lại với các dây thần kinh và chỉ trong vòng vài tuần, khả năng thính giác sẽ hoàn thiện như cũ và gần như không khác biệt so với lúc ban đầu”.
Benjamin Thiede, người đứng đầu nghiên cứu, giải thích thêm rằng, khi chúng ta nghe thấy các âm thanh khác nhau, không phải mọi tế bào lông trong ốc tai đều phản ứng, mà chỉ có các tế bào lông nhạy cảm với những tần số âm thanh nhất định. Các âm thanh có cao độ lớn do các tế bào có bó lông ngắn hơn, tọa lạc gần nhất với nơi âm thanh xâm nhập vào tai, cảm nhận. Trong khi đó, các âm thanh có cao độ thấp hơn do những tế bào lông cao hơn, nằm ở sâu bên trong, phụ trách.
Ông Thiede và các cộng sự phát hiện, 2 phân tử Bmp7 và axit retinoic hướng dẫn các tế bào lông phát triển những đặc tính phụ thuộc vào vị trí. Cụ thể là, Bmp7 làm khởi phát quá trình phân định nhiệm vụ ban đầu và axit retinoic điều phối các bó lông của tế bào phát triển theo những chiều dài khác nhau.
Nhóm nghiên cứu đã có trong tay bằng chứng cho thấy, tồn tại các mức hoạt động của axit retinoic khác nhau dọc chiều dài của ốc tai. Thông qua thử nghiệm, họ đã tạo ra các tế bào lông dài hơn nhờ cho thêm axit retinoic và các tế bào lông ngắn hơn bằng cách thêm hóa chất ngăn cản hoạt động của axit này.
Khi gà tái tạo các tế bào lông bị tổn thương, các tế bào mới phát triển đúng với đặc điểm của tế bào ở những vùng nhất định dọc ốc tai. Các nhà nghiên cứu cứu tin rằng, tạo ra các tín hiệu tái kích hoạt sự phục hồi của Bmp7 và axit retinoic là con đường khả thi giúp phát triển phương pháp mới nhằm chữa trị việc mất thính lực ở người.
Theo Vietnamnet, Daily Mail