Galapagos trả giá cho thành công phát triển du lịch

0
106

Những con muỗi mang nhiều căn bệnh chết người đe dọa các loài động vật quý hiếm có một không hai của quần đảo Galapagos đang xâm nhập vùng này mỗi ngày qua các chuyến bay du lịch.

Loài muỗi nhà phương nam với danh pháp khoa học Culex quinquefasciatus từng được cho là đã xâm nhập quần đảo Galapagos trong một sự kiện hi hữu xảy ra vào những năm 1980. Tuy nhiên, nhóm khoa học gia đến từ trường đại học Leeds, Hiệp hội bảo vệ Động vật Luân Đôn (ZSL), đại học Guayaquil, Công viên quốc gia Galapagos và Quỹ tài trợ Charles Darwin, đã chỉ ra rằng loài muỗi này thường xuyên di chuyển từ lục địa tới Galapagos và hiện đang phát triển nhanh số lượng trên quần đảo Galapagos.

Những hành khách bất hợp pháp của các phi cơ du lịch này cũng bám theo các con tàu di chuyển giữa các đảo, đồng nghĩa với việc những căn bệnh do muỗi truyền có khả năng lây lan ra toàn bộ quần đảo.

Arnaud Bataille, nghiên cứu sinh tiến sĩ, thành viên của nhóm khoa học, cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi bao gồm tìm kiếm muỗi trên khoang máy bay và tiến hành phân tích gen các đàn muỗi trên đảo. Việc thứ nhất nhằm mục đích xác định rõ tỉ lệ xâm nhập của muỗi thông qua các chuyến bay du lịch, còn việc thứ hai cho phép chúng tôi ước tính có bao nhiêu con muỗi đã tồn tại và lan truyền giữa các đảo khi đã tới Galapagos. Trung bình, số lượng muỗi trên mỗi chuyến bay rất thấp, nhưng có rất nhiều phi cơ tiếp đất mỗi ngày phục vụ khách du lịch, và một khi chúng đã tới được đây, những con muỗi có khả năng sống sót và sinh sản tốt trên các đảo”.

Quần đảo Galapagos. (Ảnh: Devisland)

Muỗi nhà phương nam là vật chủ trung gian truyền nhiều căn bệnh nguy hiểm như bệnh sốt rét và đậu mùa ở các loài chim, hay bệnh sốt virus West Nile. Sự xâm nhập của muỗi này trên đảo Hawaii vào cuối thế kỉ 19 đã gây ra tác hại khủng khiếp cho các loài chim đặc trưng của đảo. Chỉ còn lại 19 trong tổng số 42 loài chim quý hiếm của Hawaii giờ đây còn tồn tại, và những căn bệnh do muỗi nhà phương nam lây truyền là thủ phạm chính của tình trạng này.

Andrew Cunningham, cán bộ cấp cao của Hiệp hội bảo vệ Động vật Luân Đôn, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Nghiên cứu của chúng cho thấy rất có thể sẽ xảy ra một thảm họa tương tự trên quần đảo Galapagos. Trừ khi những biện pháp mạnh mẽ và ngay lập tức được triển khai, sớm muộn gì những loài động vật hoang dã tại Galapagos cũng sẽ phải chịu chung số phận với những con chim trên đảo Hawaii.”

Du lịch là nguồn thu chủ yếu của quần đảo Galapagos, mang lại nguồn tài trợ dồi dào cho Công viên Quốc gia và Cơ quan Bảo tồn Biển Galapagos – những đơn vị có chức năng bảo vệ đời sống hoang dã trên quần đảo này.

Nghiên cứu mới cho thấy một thực tế: cái giá của du lịch thậm chí có thể lớn hơn cả những lợi ích nó đem lại nếu nguy cơ từ những mầm bệnh này vẫn không được kiểm soát.

“Rất hiếm khách du lịch nhận ra điều đau lòng rằng chuyến đi của họ tới Galapagos thực sự làm tăng nguy cơ xẩy ra một thảm họa sinh thái trên quần đảo này,” Simon Goodman đến từ đại học Leeds, một trong những tác giả nghiên cứu, nói.

“Việc chúng ta chưa phải chứng kiến những tác động lớn từ các căn bệnh lây truyền qua muỗi trên quần đảo Galapagos là một điều may mắn. Chính phủ Êcuađo mới đây đã đưa ra yêu cầu tất cả các máy bay tới Galapagos đều phải được xử lý khử côn trùng, nhưng hiệu quả của việc này hiện vẫn chưa được đánh giá cụ thể, và những biện pháp tương tự đối với tàu thủy cũng cần được triển khai sớm. Với ngành du lịch đang phát triển rất nhanh, tương lai của Galapagos phụ thuộc vào khả năng duy trì những biện pháp an ninh sinh thái nghiêm ngặt từ chính phủ Ecuađo.”

 

Theo G2V Star (PhysOrg)