Các nhà khoa học Anh sẽ gắn chip phát sóng radio siêu nhỏ lên cơ thể của những con kiến ăn gỗ trong một khu di tích để theo dõi chuyển động của chúng.
Khoảng 50 triệu con kiến ăn gỗ (Forbica lugubris) sống dưới lòng đất trong khuôn viên khu di tích Longshaw, hạt Derbyshire, Anh. Chúng là loài kiến lớn nhất tại nước này. Chiều dài của kiến thợ có thể lên tới 10mm. Các tổ của chúng được kết nối với nhau bởi vô số đường hầm. Chúng nuôi rệp vừng để lấy những giọt mật – thức ăn của kiến con. Kiến ăn gỗ tự vệ bằng cách phun ra axit formic – hợp chất có mùi chua như giấm.
Một con kiến ăn gỗ trong khu di tích Longshaw, hạt Derbyshire, Anh. (Ảnh: Livescience)
Samuel Ellis, một nhà sinh học của Đại học York tại Anh, cùng các đồng nghiệp muốn biết những con kiến ăn gỗ tương tác với nhau thế nào. Vì thế họ sẽ gắn những chip phát sóng radio nhỏ xíu lên cơ thể khoảng 1.000 con kiến trong khu di tích để theo dõi chuyển động của chúng, Livescience đưa tin.
“Mỗi chip sẽ đóng vai trò như một mã vạch. Nó giúp chúng tôi phân biệt từng con kiến. Bạn có thể xác định một con kiến bất kỳ di chuyển tới đâu và sự tương tác giữa những con kiến để tạo nên hành vi chung của cả đàn”, Ellis cho biết.
Kết quả nghiên cứu sẽ giúp các nhân viên bảo tồn ở khu di tích Longshaw, hạt Derbyshire, Anh quản lý khu di tích hiệu quả hơn. Longshaw là một di tích có giá trị về cảnh quan thiên nhiên và khảo cổ. Kiến ăn gỗ là một trong những mối họa đối với Longshaw. Nhưng nếu hiểu được nhu cầu và tập tính của kiến, nhóm nghiên cứu hy vọng họ sẽ tìm ra cách phù hợp để bảo vệ khu di tích.
Theo VNE, Livescience