Sau một năm quản lý gấu nuôi nhốt bằng cách gắn chip, cả nước có 4.349 con gấu nuôi nhốt được gắn chíp và đến nay, số gấu nuôi đã có xu hướng giảm…
Gắn chip – giải pháp tình thế để quản lý đàn gấu nuôi nhốt – được xem là khá hiệu quả khi số cá thể gấu hơn 1 năm qua đã giảm đáng kể. Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Chu Ngọc Quân, chuyên viên Văn phòng CITES (Cục Kiểm lâm – Bộ NN-PTNT) đã cho biết rõ hơn tình trạng đàn gấu nuôi nhốt ở Việt Nam sau khi được gắn chip.
Chuyên viên rà máy đọc chip trên cơ thể gấu (Ảnh: N.V.Khôi) |
Ông Quân cho biết, từ khi gắn chip cho gấu, việc lấy mật, buôn bán các sản phẩm liên quan đến gấu đã giảm rõ rệt. Ban đầu, việc gắn chip đã tạo làn sóng phản đối của những chủ nuôi, song, xét về khía cạnh quản lý thì rõ ràng lỗi đó do người nuôi gấu tạo ra. Việc gắn chip là giải pháp tình thế, nhân đạo với gấu nuôi mà lẽ ra, chúng phải bị tịch thu và xử lý ngay.
– Liệu việc gắn chip có hiệu quả không nếu lực lượng kiểm lâm không kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là khi chúng tiếp tục sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt?
Theo Quyết định 02/QĐ-BNN và Quyết định số 47/2006/QĐ-BNN ngày 6/6/2006 ban hành kèm theo Quy chế quản lý gấu nuôi nhốt, cơ quan kiểm lâm địa phương phải kiểm tra 6 tháng/lần (cấp huyện) và 1 năm/lần (cấp tỉnh). Nói chung, đến thời điểm này, việc gắn chip cho đàn gấu nuôi nhốt cơ bản là tốt. Số cá thể gấu chỉ giảm chứ không tăng, chỉ già yếu và chết đi.
Tổng số gấu sau khi gắn chip trên cả nước là 4.349 con, nhiều nhất là Nghệ An 578 con, Hải Phòng 521 con, Hà Tây 551 con… Tuy chưa có số liệu chính xác, nhưng theo tôi biết Hà Tây đã giảm 15 con, Thái Bình 2 con…
Về việc gấu nuôi sinh sản, đến nay chưa có tài liệu khoa học nào công bố hoặc quyết định nào được pháp luật và xã hội thừa nhận. Trên thực tế, ở một vài hộ lẻ tẻ, đã có hộ làm được việc này nhờ tạo môi trường nuôi phù hợp tự nhiên để có thể sinh sản. Việc này đã từng thành công ở Trung Quốc.
Nếu gấu sinh sản sau thời điểm gắn chip, chủ nuôi được nuôi không quá 1 năm và phải giao lại cho kiểm lâm địa phương, bởi tiêu chí khi gắn chip cho gấu là ngăn chặn thế hệ sau của gấu không phải chịu chung số phận như bố mẹ chúng – phải sống trong điều kiện tù nhốt và bị khai thác mật dã man như đã từng xảy ra. Còn nếu tịch thu hết rồi tiêu huỷ thì lại trái với tinh thần nhân đạo khi xử lý động vật hoang dã.
– Đã có văn bản nào quy định về điều kiện chuồng trại, chỗ nuôi nhốt gấu không? Trường hợp gấu sổng chuồng, đe dọa tính mạng người dân thì chủ nuôi sẽ bị xử lý như thế nào?
Có quy định về điều kiện an toàn nuôi gấu nhưng không có quy định cụ thể chuồng trại như thế nào, cao bao nhiêu mét… mà chỉ là chung chung. Nhà nước chủ trương không phổ biến và mở rộng việc nuôi gấu nên chúng tôi không ban hành các quy định cụ thể về Quy trình nuôi gấu, tiêu chuẩn kỹ thuật chuồng trại. Chúng tôi chỉ yêu cầu chủ nuôi phải có trách nhiệm đối với việc không để việc nuôi gấu ảnh hưởng tới môi trường hoặc đe doạ tính mạng người dân xung quanh.
Ảnh chụp một chú gấu nuôi nhốt ở một hộ gia đình tại TP.HCM (Ảnh: N.V. Khôi) |
Ngoài ra, để lường trước khả năng có thù hằn cá nhân trong cuộc sống dẫn tới thả gấu ra hại nhau, việc gắn chip sẽ buộc anh phải có trách nhiệm với gấu của mình.
Trường hợp gấu nuôi bị sổng chuồng, đe dọa tính mạng người dân, chủ nuôi phải chịu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự theo pháp luật hiện hành.
– Tại sao chúng ta không cho phép khai thác mật gấu mà lại quyết định đồng ý gắn chip để nuôi nhốt? Việc này có tạo điều kiện cho việc buôn bán các sản phẩm liên quan đến gấu không?
Gấu nuôi là bất hợp pháp, có thể bị tịch thu và xử lý bất cứ lúc nào. Nhà nước không thể chi tiền để hỗ trợ một hoạt động bất hợp pháp (nuôi gấu lấy mật), mà cũng không thể tịch thu một lúc để cứu hộ hoặc tiêu huỷ. Do vậy, giải pháp tình thế là gắn chip để quản lý cho người dân nuôi đến hết đời những cá thể gấu đang bị nuôi nhốt và ngăn chặn tình trạng bổ sung gấu hoang về nuôi trong các trang trại.
Hiện chúng tôi cũng chỉ kiểm soát được tương đối về khai thác mật gấu do nhận thức về tác dụng của mật bắt đầu thay đổi. Hơn nữa, việc gắn chip cho gấu làm người nuôi có ý thức hơn nhiều. Bên cạnh đó, nhiều người có tình cảm thực sự với gấu nên không lấy mật nữa.
Tôi lấy ví dụ, trong một lần đi gắn chip cho đàn gấu 8 con (gấu chó) ở Bình Dương, các bác sỹ thú y kiểm tra không có một vết chích nào. Chủ nuôi nói rõ là đã nuôi chúng từ ngày còn nhỏ xíu, và nuôi chơi thôi chứ không khai thác mật. Hay vừa rồi, tôi đi kiểm tra gấu ở Hà Tây thấy các vết chích lấy mật đã liền sẹo từ rất lâu. Gấu hoàn toàn khoẻ mạnh, không có dấu hiệu bị tổn thương do khai thác mật. Chủ hộ vẫn nuôi gấu kể cả khi mỗi tháng phải bù lỗ tới hàng chục triệu đồng.
Trung tâm cứu hộ gấu trên Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cũng nhận được rất nhiều điện thoại của người dân tự nguyện mang gấu trả lại, không lấy bất kỳ đồng tiền công nào vì họ không có đủ kinh tế để lo cũng như không muốn giết đi.
Gắn chip chính là vì mục đích cố định số gấu nuôi nhốt trong thời gian qua, tiến tới chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu bất hợp pháp ở Việt Nam. Đó cũng là cam kết của Cục Kiểm lâm với các tổ chức quốc tế khi thực hiện dự án này. Đàn gấu nuôi nhốt sẽ giảm dần theo thời gian – yếu tố chứng tỏ việc gắn chip có hiệu quả, tránh bổ sung gấu từ tự nhiên. Có lẽ, 5-7 năm nữa hiện tượng nuôi nhốt và khai thác mật gấu một cách dã man sẽ không còn tồn tại ở Việt Nam.
Hà Yên (thực hiện)
Theo Vietnamnet