Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tại Áo vừa khẳng định sự tuyệt chủng của loài gấu nâu (Ursus arctos) ở nước này sau gần hai năm không thấy xuất hiện chú gấu nâu cuối cùng mang tên Moritz. Đây cũng là lần thứ hai trong lịch sử gấu nâu bị tuyên bố tuyệt chủng tại Áo.
Từ năm 1989, WWF đã thực hiện dự án bảo tồn gấu nâu tại Áo thông qua chương trình phóng thích gấu tại khu vực phía Bắc dãy núi An-pơ, tuy nhiên số lượng loài vật này ngày càng bị sụt giảm nghiêm trọng trước khi vắng bóng hẳn.
Thống kê từ năm 1989 tới năm 2010 cho thấy, có ít nhất 35 cá thể gấu sinh sống trong khu vực này nhưng về sau hơn 20 cá thể gấu bỗng dưng mất tích mà không để lại một dấu vết nào.
Gấu nâu
Theo WWF Áo, số lượng gấu di cư tới vùng phía Bắc núi An-pơ phụ thuộc rất nhiều vào tần suất săn bắn của người dân Slovenia. Trong thập kỷ vừa qua, hạn ngạch săn bắn được gia tăng đáng kể do xảy ra nhiều vụ xung đột giữa gấu và người dân nuôi ong hay những hộ chăn thả gia súc.
Ông Dalibor Dostal – Giám đốc Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã Châu Âu chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng đây không phải là hồi kết cho toàn bộ câu chuyện về gấu nâu tại vùng An-pơ của Áo mà chỉ là phần kết buồn của một chương nhỏ. Chúng tôi cũng hy vọng các chương tiếp theo sẽ tích cực và sáng sủa hơn, và rằng gấu sẽ còn xuất hiện trở lại khu vực này”.
Hiện WWF tại Áo, Ý, Đức, Thụy Sĩ và Pháp đang lên kế hoạch xây dựng chiến lược bảo tồn gấu nâu, dự kiến bản chiến lược sẽ được công bố trong tháng 3 này.
Theo Thiên Nhiên