Sản xuất gel hấp thụ nước bằng kỹ thuật bức xạ (Ảnh: Q.Thanh) |
Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết đơn vị này đã bán rộng rãi trên thị trường một loại vật liệu tinh bột sắn (khoai mì) có thể ngậm và giữ nước đến vài trăm lần so với khối lượng khô của chúng.
Loại vật liệu này được gọi là gel hấp thụ nước. Nguyên liệu sản xuất chính là tinh bột sắn và được dùng phương pháp chiếu xạ với nguồn gamma SV-ST Co-60/B (Hungary) để sản xuất.
Ông Đoàn Bình – thành viên nhóm nghiên cứu – cho biết loại gel hấp thụ nước này hoạt động như một nguồn nước dự trữ có sẵn cho cây khi cần, đồng thời giúp chống hạn mùa khô, tiết kiệm nước.
Ông Bình nói rằng nhờ cấu trúc đặc biệt của sản phẩm gel nên loại sản phẩm này có đặc trưng giữ nước và nhả nước thích hợp trong môi trường đất, đồng thời sẽ tự phân hủy trong đất sau gần một năm. Cũng theo ông Bình, bà con nên bón gel hấp thụ nước vào thời điểm cuối mùa mưa để tận dụng những cơn mưa cuối mùa cung cấp nước cho các mảnh gel được chôn lẫn trong đất.
Khi có nguồn nước dồi dào, các mảnh gel hấp thụ nước sẽ “ăn” một lượng nước lớn. Lượng nước này sẽ được giữ trong “người” của các mảnh gel và cho đến khi gặp điều kiện thích hợp thì lượng nước ấy sẽ được nhả ra từ từ, giúp làm ẩm đất và cung cấp nước vừa đủ cho cây trồng.
GIÁNG HƯƠNG
Theo Tuổi Trẻ Online