Gene hổ tuyệt chủng “hồi sinh” trong cơ thể chuột

Gene hổ tuyệt chủng

70 năm sau khi loài hổ dữ có túi Tasmanian tuyệt chủng, ADN của nó đã được các nhà khoa học Úc làm cho “hồi sinh” bên trong cơ thể chuột.

Lần đầu tiên trên thế giới, gene của loài hổ Tasmanian đã tuyệt chủng được tiêm vào phôi chuột. (Ảnh: smh.com.au)

Đây là lần đầu tiên ADN của một động vật tuyệt chủng có thể thực hiện chức năng bên trong một cơ thể sống. Kỹ thuật này có thể giúp chúng ta khám phá thêm về khủng long hay người cổ Neanderthal…

Để thực hiện nghiên cứu trên, các nhà khoa học thuộc ĐH Melbourne (Úc) và ĐH Texas (Mỹ) đã trích mẫu ADN của một con hổ Tasmanian hơn 100 năm tuổi, được bảo quản trong ethanol tại một bảo tàng, và tiêm vào phôi chuột để nghiên cứu sự phát triển của sụn.

Kết quả, họ phát hiện gene Col2A1 của hổ Tasmanian có chức năng tương tự trong việc phát triển sụn và xương khi nằm trong cơ thể chuột. Kết quả này hứa hẹn sẽ phát triển công nghệ y sinh mới để tạo ra gene có thể giúp tái tạo lại sụn.

Hổ Tasmanian là một động vật ăn thịt bí ẩn bị săn bắn đến tuyệt chủng trong tự nhiên vào đầu thế kỷ 20. Đến năm 1936, những con hổ Tasmanian cuối cùng được biết đến đã chết trong sở thú Hobart.

Theo các nhà khoa học, ở thời điểm hiện nay, khi tốc độ tuyệt chủng của các loài gia tăng ở mức độ báo động, nghiên cứu trên sẽ giúp hiểu rõ hơn những loài động vật đã hoàn toàn tuyệt chủng, từ đó có thể tiếp cận tính đa dạng sinh học của chúng. 

Video về con hổ Tasmanian cuối cùng:

 

Theo TRƯỜNG THỊNH (Reuters, Tuổi Trẻ Online)