Đây là một trong số Bảy kỳ quan thế giới cổ đại, nhằm hướng dẫn tàu bè vào cảng Alexandria an toàn. Người ta cho rằng phải mất 15 năm mới xây dựng xong hải đăng và tiêu tốn một số tiền khổng lồ 800 talents (đơn vị tiền cổ xưa).
Hải đăng xây dựng dưới thời vua Ptolemy I, khánh thành khoảng năm 283 TCN dưới thời vua Ptolemy II. Ngoại trừ Kim tự tháp ở Giza, hải đăng là công trình cao nhất trong thế giới cổ đại.
Hải đăng đặt ngay lối vào cảng Alexandria, ngay vị trí hiện nay là một pháo đài Arập xây dựng vào thời Trung cổ, pháo đài Qait Bey. Tháp trung tâm của pháo đài có lẽ được xây dựng trên nền móng của Hải đăng, vì thế có thể phỏng theo sơ đồ mặt bằng và kích thước của Hải đăng. Phần lớn nguyên vật liệu để xây pháo đài đều lấy từ Hải đăng. Tuy nhiên, việc tái tạo chính xác nguyên bản thật vô cùng khó khăn, mặc dù có nhiều hình ảnh Hải đăng dưới dạng biểu đồ trên các đồng tiền, đồ khảm và các mô tả thành văn thời cổ đại. Người ta cũng cho rằng ngọn tháp đổ nát ở Abusir cũng mô phỏng theo hình dáng của Hải đăng. Đây là tất cả những gì người ta biết được về Hải đăng cho đến năm 1960, khi ấy một thợ lặn Ai Cập phát hiện những tảng đá và pho tượng khổng lồ nằm dưới đáy biển quanh pháo đài Qait Bey. Người ta cho rằng những khối đá và pho tượng này thuộc về Hải đăng đổ nát, hiện được một toán bao gồm các thợ lặn và nhà khảo cổ nghiên cứu.
Xây dựng thành 3 bậc, người ta nghĩ Hải đăng phải có chiều cao khoảng 135 m. Bậc dưới cùng theo sơ đồ hình vuông, gồm nhiều phòng cho bộ phận canh gác hải đăng thường trực, gia súc và lương thực. Lối vào được tôn cao, đi vào bằng con đường dốc bắt đầu từ phần nền bao quanh tháp. Bên trong bậc hình vuông thấp hơn là một vách tường bên trong để đỡ các phần trên của Hải đăng, đến được phần trên này bằng con đường dốc xoáy trôn ốc bên trong. Bậc ở giữa có hình bát giác, phía trên bậc này là phần hình tròn có tượng thần Zeus nổi bật.
Chúng ta có thể nghiên cứu đôi chút về cấu trúc Hải đăng. Hải đăng xây dựng bằng đá trắng, hầu hết đều là đá vôi trắng ở địa phương chứ không phải đá cẩm thạch như mọi người thường nghĩ. Có lẽ đá granite được sử dụng ở những nơi thích hợp cần phải có loại đá chắc chắn hơn đá vôi trắng, có thể chịu đựng tải trọng lớn hơn ở phần chân tháp và phía trên ô cửa. Nhiều tảng đá hiện nay còn nằm dưới đáy biển đều là đá granite, một số tảng nặng đến 75 tấn.
Alexandria là một bộ phận trong thế giới Hy Lạp, xét theo kiểu dáng, Hải đăng có vẻ là một công trình Hy Lạp hơn là Ai Cập, mặc dù đội công tác dưới nước của Pháp xác định vị trí của rất nhiều pho tượng Ai Cập ở vùng lân cận. Các tượng Ptolemy và hoàng hậu khổng lồ đều nằm bên ngoài hải đăng.
Việc dựng những tảng đá vào đúng vị trí trong một công trình cao như thế đòi hỏi phải thật khéo léo, bằng kỹ thuật xây dựng Hy Lạp, bao gồm các cần cẩu tinh vi và thiết bị nâng, có lẽ đã được những người thợ xây áp dụng. Thế nhưng, cũng có thể phần lớn các tảng đá dùng để zây dựng tầng phía trên được đẩy lên bằng các đường dốc trôn ốc bên trong công trình.
Ngay cả vị trí ngọn lửa thắp sáng hải đăng cũng chưa xác định: có thể nằm ở trên đỉnh, bên dưới hay dọc theo tượng thần Zeus. Nhiên liệu có lẽ chất lên lưng động vật thồ, vận chuyển lên phía trên bằng đường dốc trôn ốc, sau đó kéo lên đỉnh bằng thiết bị nâng. Có thể sử dụng một số loại gương phản xạ để phóng đại và hướng ánh sáng phát ra từ ngọn lửa nhưng chưa có bằng chứng cụ thể về ý kiến này.
Pháo đài Qait Bey.
Mặc dù phải qua nhiều lần hư hỏng và sửa chữa. Hải đăng phần lớn vẫn còn nguyên vẹn cho đến thế kỷ 14 sau CN. Một số thời điểm trước thế kỷ 12, Hải đăng bị động đất tàn phá nặng nề, tiếp đến phần móng hình vuông được gia cố, người ta xây một nhà thờ Hồi giáo trên đỉnh. Toàn bộ công trình bị sụp đổ hoàn toàn năm 1303 trong trận động đất nghiêm trọng khác, và hầu như được thay bằng pháo đài Qait Bey năm 1479.