Ở tả ngạn sông Cầu, trong ngôi chùa cổ Bổ Đà tọa trên dãy núi Phượng Hoàng (huyện Việt Yên- Bắc Giang) có một kho mộc bản kinh Phật thứ hai, độc đáo không kém gì kho mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm.
Trải qua hàng trăm năm, chùa Bổ Đà vẫn giữ gần như vẹn nguyên những nét kiến trúc ban đầu. Đăc biệt, hơn 2000 mộc bản kinh Phật đang được lưu giữ tại đây được xem là nguồn tư liệu vô cùng quí giá.
Cổng chùa Bổ Đà
Nhìn từ trên đỉnh núi Phượng Hoàng xuống, Bổ Đà tự hòa vào bức tranh phong cảnh thiên nhiên đất Tiên Sơn như một nét chấm phá hữu tình. Nằm cách xa khu dân cư nên chùa khá tĩnh lặng. Trước khi đến Bổ Đà tự, chúng tôi đã được giới thiệu cơ bản về chùa nhưng khi đến nơi mới thấy câu “Bắc Bổ Đà, Nam Hương tích” quả không sai chút nào.
Chùa Bổ Đà có tên chữ là Tứ Ân Tự, tên thường gọi là chùa Quan Âm Núi Bổ, dân trong vùng vẫn gọi tắt là chùa Bổ. Chùa Bổ Đà được xây dựng từ thế kỷ 11 (nhà Lý) khi Phật giáo ở nước ta đang trong giai đoạn thịnh trị. Những cuộc chiến tranh liên miên suốt bảy thế kỷ đã tàn phá nặng nề ngôi chùa. Phải đến thời vua Lê Dụ Tông (1705-1729) niên hiệu Bảo Thái, chùa Bổ Đà mới được dựng lại và có hình hài như ngày nay.
Đây là một trong 3 ngôi chùa duy nhất của phật giáo miền Bắc thờ Quán Thế Âm Bồ Tát. Nằm ở phía Bắc chân núi Phượng Hoàng. Theo lời của trụ trì chùa đại đức Tục Vinh thì chùa được xây trên ức con Phượng Hoàng, là vật linh đứng thứ 2 trong Tứ Linh. Vị trí đặt nơi thờ tự và bố trí khuôn viên chùa được tính toán một cách kĩ lưỡng dựa trên tổng hòa các yếu tố phong thủy, địa lý, âm dương,… tới chuẩn mực.
Để vào được khuôn viên chùa phải qua 3 lần cửa gỗ, cửa hẹp, có mái vòm tròn, hai bên là những câu đối, đại tự. Bốn bề được bao bọc bởi tường đất cao gần hai mét, dày chừng nửa mét. Tường được xây bằng đất sét trộn rơm rạ, sỏi đá, nên qua hàng trăm năm, mặc nắng mưa, gió bão, những bức tường vẫn kiên cố và vững chãi.
Kho kinh mộc bản đang được lưu giữ tại chùa Bổ Đà
Ngay từ khi mới xây dựng, Bổ Đà đã đảm nhiệm chức năng là nơi đào tạo tăng sĩ cho các chùa chiền khu vực miền Bắc. Mỗi năm, cứ vào hạ, các tăng ni khắp nơi lại đổ về chùa để học tập giáo lý và tu dưỡng bản thân. Tiếng chuông chùa, tiếng đọc kinh sách cứ ngân vang khắp cả một vùng.
Giống như một cơ duyên, chúng tôi có cơ hội được mục sở thị bức thư chép tay của cố nhà văn Nguyên Hồng ngay ở gian sảnh ban quản lý khu di tích. Các cụ già sống quanh chùa nhớ lại, trước đây sau cách mạng Tháng Tám, tác giả của “Bỉ Vỏ” đã từng trốn nhà, lánh đời lên đây tìm chốn tu hành. Ăn chay niệm Phật, rũ bỏ mọi quan tâm với thế sự bên ngoài, nhưng cái duyên với cửa Phật của nhà văn cũng chỉ kéo dài 6 tháng. Khi người vợ ba của ông ở Yên Thế về đây làm lễ, vô tình gặp chồng, vậy là nhà văn buộc phải trở về…
Chỉ đứng sau mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (3050 bản), kho kinh Phật của chùa Bổ Đà lên tới 2000 bản, được khắc trên gỗ thị, cho tới giờ vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn.
Trải qua gần ba thế kỷ, những hoa văn, chữ nổi trên ván kinh bằng gỗ thị vẫn còn rất sắc nét, không hề bị mối mọt. Không chỉ có văn tự, những nghệ nhân tài hoa khi xưa đã chạm, khắc lên những ván gỗ nhiều hình ảnh tinh xảo. Có thể dễ dàng nhận thấy hình ảnh Đức Phật tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quán Thế Âm Bồ Tát, các vị la hán… trên nhiều ván kinh.
Chùa Bổ Đà nhìn từ đỉnh núi Phượng Hoàng
Ra đời cùng thời kỳ, nhưng bộ kinh ở chùa Vĩnh Nghiêm thuộc trường phái Đại thừa và một số bản mang tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, thì bộ kinh khắc ở chùa Bổ Đà chủ yếu nói về Quán Thế Âm Bồ Tát và các giới.
Giới thiệu với chúng tôi, Đại đức Tự Tục Vinh cho biết, ngay sau khi dựng chùa, các vị tổ sư đã có ý tưởng muốn khắc một bộ kinh để truyền dạy những giáo lý nhà Phật một cách rộng rãi và bảo tồn được đến các đời sau. Bộ kinh đã được các nghệ nhân đất Kinh Bắc khắc trong nhiều năm, hiện không có văn bản nào ghi chính xác thời gian kết thúc của những bản khắc gỗ. Xét về độ tinh xảo, bộ kinh chùa Bổ Đà có thể sánh ngang với trình độ điêu khắc của những bức tượng Phật chùa Tây Phương, về sự tỉ mỉ thì không kém những mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Được chạm trên gỗ thị, khắc bằng tiếng Hán ngược, trải qua thời gian, những nét khắc vẫn còn nguyên vẹn tới từng chi tiết nhỏ. Bao gồm cả văn tự và những tranh vẽ kể lại những tích nhà Phật, bộ kinh chú về những điều răn dạy trong quá trình tu hành của các tăng ni. Sự khổ hạnh và rèn luyện bản thân trong quá trình vươn tới niết bàn cũng được các vị tổ sư chú trọng. Ngoài ra, bộ kinh còn tập trung được những nét cơ bản của phật giáo với 3 tông phái (Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông) trong quá trình tiếp biến và kế thừa tại Việt Nam.
Lịch sử 300 năm của bộ kinh tuy không phải là lâu đời nhất, con số 2000 mộc bản cũng không phải lớn nhất nhưng về nội dung, kho kinh này là kho tài liệu quý giá dành cho những nhà nghiên cứu về lịch sử phật học Việt Nam thuở ban đầu.
Mỗi tấm ván khắc kinh dài trung bình 50cm, rộng 25cm, dày khoảng 2,5cm, màu đen óng. Toàn bộ số mộc bản được xếp ngay ngắn trên 8 giá gỗ được đặt trong khuôn viên chùa, du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng. Nếu muốn xem đồng loạt toàn bộ kho kinh cổ ở đây thì phải cần khoảng đất rộng khoảng 250 mét vuông mới trải hết ra được. Chất liệu gỗ thị bền, đẹp, nhẹ và xốp nên dễ khắc nhưng đồng thời lại ít bị mối mọt.
Khách đến Bổ Đà Tự không thể bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng tác phẩm lớn mà những nghệ nhân 300 năm trước đã dày công làm ra. Đây không chỉ là tài sản của riêng của nhà chùa mà còn là báu vật của phật giáo Việt Nam.