Ghen… tỉnh!

0
104
Ghen... tỉnh!
Người ta bảo ghen tuông là thể hiện tình yêu sâu sắc. Chữ ghen cũng có muôn hình vạn trạng, với người khôn ngoan thì cái ghen sẽ làm cho cuôc sống trở nên thi vị hơn, còn người dại dột thì ghen tuông có thể phá vỡ hạnh phúc gia đình, khiến họ mất đi nhiều điều quan trọng. Thật ra, ghen cũng giống như uống thuốc vậy, muốn kiểm soát được nó hiệu quả thì phải biết “đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng”, khi đó nó sẽ khiến tình yêu quá bình lặng hay đang nguội lạnh của bạn trở nên nồng ấm, nó đem lại niềm hãnh diện cho bạn khi biết rằng ai đó luôn sợ đánh mất mình. Không yêu thì sẽ chẳng có gì để mà ghen, nhưng không ghen thì cũng chưa chắc đã là không yêu. Quả thật, ghen tuông là một thứ “gia vị” của tình yêu, nêm nhiều thì mặn, không nêm thì nhạt, nhưng làm thế nào để biết mình sẽ nêm cho vừa thứ gia vị “nguy hiểm” dễ khiến con người trở nên mù quáng này? Có nhiều cách để ghen, để mà giữ chân nhau một cách tỉnh táo, dịu êm chứ không phải chỉ có ghen tuông cuồng điên thôi đâu. 
Từ ngàn xưa, những câu chuyện ghen tuông của người vợ đã trở thành lời đồn thổi, bàn tán của dư luận chứ không riêng gì chỉ có ngày nay. Trong sử sách, người ta còn nhắc đến những câu chuyện ghen tuông hiểm ác của Độc Cô hoàng hậu, Lã Trĩ hoàng hậu hay Võ Tắc Thiên – những người nổi tiếng ra đòn tàn bạo với các tình địch, nhưng cũng có những câu chuyện ghen tuông “độc nhất vô nhị” như chiêu “im lặng đến chết” của hoàng hậu Viên Thị. Số là bà hoàng hậu này vì quá uất ức trước sự sủng ái của Hoàng đế Lưu Nghĩa Long dành cho Phan Thục Phi đã cáo bệnh, không chịu gặp Lưu Nghĩa Long cho đến tận giây phút cuối đời. Giờ phút Viên Hoàng hậu lâm chung, Hoàng đế nắm chặt tay bà hỏi bà có muốn nói điều gì không song Viên Hoàng hậu một từ cũng không nói, chỉ nhìn trừng trừng Lưu Nghĩa Long, sau đó tự kéo chăn kín mặt, nhất quyết không nhìn mặt ông. Cũng vì chuyện này mà Tống Văn Đế đã phải trả một cái giá cực đắt. Sau khi Viên Hoàng hậu qua đời chưa được bao lâu thì Thái tử Lưu Thiệu đã mưu phản, giết chết cả Văn Đế lẫn Thục phi trả thù cho mẹ. Nhiều người nói rằng, nếu như Viên Hoàng hậu chịu nói với Văn Đế một câu trước khi bà về với tổ tiên, có lẽ mọi chuyện đã không kết thúc thê thảm như vậy. Song, một khi các bà vợ đã nổi cơn ghen thì khó ai có thể tính trước lường sau được điều gì.
Ghen... tỉnh!
Thực tế thì không phải bà vợ nào cũng đánh ghen theo cách “im lặng” như Viên Hoàng hậu. Đa phần các bà vợ đều phản ứng theo hai cách, một là an phận với “kiếp chồng chung”, “ngậm bồ hòn làm ngọt”, coi như “mắt không thấy, tai không nghe, tim không đau”, nghĩa là không có chuyện ghen tuông. Số này thường là đông hơn. Hai là ghen tuông một cách quyết liệt và đánh ghen một cách tàn nhẫn bằng tất cả thủ đoạn mà họ có thể nghĩ ra. 
Nhưng cái chuyện ghen tuông mà trị được chồng và tình địch một cách cao tay mà tỉnh táo thì trong thi ca, người ta phải nhắc đến Hoạn Thư. Có người bảo, Hoạn Thư ghen thâm độc kiểu “giết người không dao” nhưng có lẽ – những người nói như thế là vì họ đứng về phía nhân vật Thúy Kiều nên họ không cảm thông được với nỗi đau của người đàn bà đang đứng trước nguy cơ mất chồng như Hoạn Thư, như nhiều người vợ khác đang phải chịu cảnh sống chung với kẻ thứ ba. Cái ghen của Hoạn Thư là cái ghen của một người đàn bà thông minh và đủ tỉnh táo, cái ghen “đỉnh cao” bởi cô ta hiểu rõ đứng trước một người đàn bà đẹp và có tài như Thúy Kiều thì cô ta thua kém, Thúc Sinh ngả nghiêng là phải. Chính vì đánh giá cao Thúy Kiều nên Hoạn Thư đã ra tay mà như không ra tay, ghen mà như không ghen, vừa dằn mặt được tình địch vừa khiến chồng phải kiêng nể, khiến cả hai người không thể oán trách nổi. Thúy Kiều thì bẽ bàng, biết thân biết phận, Thúc Sinh thì phải hứng chịu tội lỗi của người đàn ông phản bội nhưng đồng thời cũng thầm cảm ơn bởi anh ta có một người vợ thật sự biết cách “bao dung”, cho anh ta một con đường để trở về. Người vợ ghen tỉnh táo như thế, đủ để giữ được chồng, trị cho anh một bài học đau mà đồng thời cũng rộng mở một lối thoát, như thế có ông chồng nào không phục, không sợ?
Đã qua lâu rồi cái thời ghen tuông là kéo bè kéo cánh đi đánh ghen, tạt axit hay lột quần áo. Kiểu ghen “xấu chàng hổ ai” này suy cho cùng chỉ làm thiên hạ chê cười, còn các ông chồng thì vẫn nhởn nhơ, thậm chí là lấy cớ để chê trách các bà. Nhưng ghen âm ỉ mà không nói ra, ghen kiểu căm tức, uất hận như bà hoàng hậu Viên Thị thì đúng là tột cùng bi kịch, chỉ càng làm cho nỗi đau thêm dài. Thật ra, cái kiểu ghen trong câm nín, ghen bóng ghen gió này lại đang khá phổ biến hiện nay. Cái ghen này tưởng không nguy hại nhưng lại phát sinh ra nhiều hiểu lầm đáng tiếc, chưa kể lại khiến đổ vỡ hạnh phúc vì những mâu thuẫn không được lý giải, người ghen chỉ tự làm khổ mình.
Dưới góc độ tâm lý, ghen khi được bộc lộ cũng chính là cách giải tỏa những căng thẳng tâm tư. Nếu cơn ghen cứ âm ỉ gây ức chế, về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng trầm cảm. Bởi thế nên, người vợ biết cách ghen sáng suốt là người đầu bếp tài năng nắm rõ nghệ thuật “giữ lửa” trong gia đình, biết nêm nếm gia vị “hờn ghen” cho vừa miệng. Chuyện ghen tuông thì muôn màu, chẳng ai nói hết được bởi lẽ một khi đã ghen – các bà các cô có thể nghĩ và làm nhiều chuyện từ bình thản đến mù quáng, nhưng cái chuyện ghen “tỉnh” cũng không hẳn là không đau, bởi lẽ người ta vẫn nói “con ong độc nhất ở đuôi, đàn bà độc nhất ở nơi tấm lòng”, chỉ là nó khiến người đã gieo bão thì phải gặt bão, gặt một vố đau nhớ đời, khiến tình địch trả giá, người chồng được “một phen nhớ đời” mà thôi. 
Nếu đã ghen, các bà vợ hãy cứ ghen tỉnh như Hoạn Thư, ghen đủ để có bằng chứng trong tay, ghen đúng người, đúng tội, đúng thời điểm, như thế các chị không thiệt thân còn các ông chồng thì phải “tâm phục khẩu phục”. Và nếu thật sự đã có bằng chứng trong tay để đánh ghen, các chị cũng hãy nhớ – người ta chỉ nên “đánh ghen” một lần trong đời thôi, “đánh ghen” đến lần thứ hai, thứ ba thì không chỉ người kia nhờn, nỗi đau nhờn mà bản thân giá trị của các chị đã là vô nghĩa rồi nên với trường hợp gia vị hờn ghen – chỉ mình mình nấu cho vui, mặn ngọt chẳng ai còn biết thì cứ “chọn một kết thúc buồn, còn hơn chọn một nỗi buồn không bao giờ kết thúc”.

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.