Gia súc làm ô nhiễm môi trường nhiều hơn ôtô

Ngành chăn nuôi tạo ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính hơn ngành vận tải. Gia súc cũng là một trong những tác nhân chính gây thoái hóa đất nông nghiệp và làm ô nhiễm nguồn nước, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) thông báo.

“Nếu quy đổi ra khí CO2, ngành chăn nuôi tạo ra lượng khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều hơn tất cả những xe ôtô cộng lại”, báo cáo của FAO ghi rõ.

Nếu tính theo khí CO2, lượng khí gây hiệu ứng nhà kính mà gia súc trên toàn thế giới thải ra chiếm tới 18% tổng lượng khí thải.

Nhu cầu sữa và thịt ngày càng cao là nhân tố chính dẫn đến tình trạng trên. Năm 2001, loài người tiêu thụ 229 triệu tấn thịt. Nhưng tới năm 2050, theo dự đoán của FAO, con số này sẽ tăng gấp đôi, đạt 465 triệu tấn. Lượng sữa tiêu thụ cũng sẽ tăng từ 580 triệu tấn lên 1.043 triệu tấn trong cùng thời kỳ.

“Nếu tính cả những khí thải do việc sử dụng đất gây ra, gia súc trên hành tinh phải chịu trách nhiệm về 9% lượng khí CO2 toàn cầu, nhưng tỷ lệ các loại khí thải khác mà chúng tạo ra còn lớn hơn nhiều”, FAO khẳng định.

Cụ thể, gia súc tạo ra 65% lượng nitơ oxit (N2O). Đây là loại khí có khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời cao gấp 296 lần so với CO2 và phần lớn được tạo ra từ phân động vật.

Động vật nuôi cũng thải ra khoảng 37% lượng khí methane (CH4) – có khả năng giữ nhiệt cao gấp 23 lần CO2 – và 64% khí amoniac (NH3), thủ phạm chính của những trận mưa axit.

Không những thế, nhu cầu thức ăn của gia súc cũng là một nhân tố dẫn đến sự mất cân bằng trong hệ sinh thái, làm thoái hóa chất lượng đất nông nghiệp và gây ô nhiễm các nguồn nước.

Việt Linh

 

Theo AFP, Vnexpress