Giả thuyết mới giải thích vì sao vượn cáo đực và cái có kích thước bằng nhau

Giả thuyết mới giải thích vì sao vượn cáo đực và cái có kích thước bằng nhau

Trong một công trình công bố mới đây, nhà sinh vật học Amy Dunham đến từ đại học Rice đã đưa ra một giả thuyết mới lý giải cho một trong những bí mật lâu nay của giới động vật linh trưởng: vì sao vượn cáo đực và cái lại có kích thước bằng nhau.

Ở hầu hết các loài động vật linh trưởng, con cái đều đã tiến hóa đạt tới kích thước lớn hơn con đực. Kích thước cơ thể chính là một lợi thế giúp con đực bảo vệ được con cái khỏi sự “tấn công” và chiếm lĩnh của những con đực khác. Tuy nhiên, từ lâu các nhà sinh học tiến hóa đã tự hỏi tại sao loài vượn cáo lại không tuân theo quy luật này.

“Đây là một câu hỏi lớn mà giới khoa học tranh luận suốt 20 năm qua,” Dumham, giáo sư chuyên nghiên cứu sinh thái và sinh học tiến hóa, cho biết. “Tôi thực sự bắt tay vào nghiên cứu về loài này từ khi tới làm việc ở Ranomafana (Rừng quốc gia tại Madagascar), và câu hỏi về bí ẩn kích thước loài vượn cáo đã đeo đuổi tôi suốt những năm qua.”

Trong một bài viết được giới thiệu trên trang bìa tờ Journal of Evolutionary Biology tháng này, Dunham đã đưa ra một trong những giả thuyết mới nhất giải thích cho kích thước chung của hai giống ở loài vượn cáo.

Sau khi xem xét kĩ lưỡng tất cả những công trình quan sát được tiến hành trên vượn cáo, Dunham đi tới kết luận rằng ở loài này, cũng như các động vật linh trưởng khác, con đực bảo vệ bạn tình của chúng. Nhưng khác với gorrilla và những loài còn lại vốn vẫn thường đánh nhau để giành quyền giao phối với con cái, vượn cáo đực lại bảo vệ bạn tình của nó một cách thụ động.

Chúng thực hiện việc này bằng cách tiết ra một nút chất lỏng bên trong ống sinh sản của con cái khi kết thúc giao phối. Nút này ban đầu ở dạng protein lỏng, nhưng sau đó nó nhanh chóng chuyển sang thể rắn và ở lại bên trong con cái từ 1 tới 2 ngày. Nhiều con cái chỉ đáp lại ham muốn của con đực một lần trong năm, cho nên nút có tác dụng ngăn không cho những con đực khác giao phối với con cái này trong khi vẫn tạo điều kiện cho con đực này giao phối với những con cái khác.

Giả thuyết mới giải thích vì sao vượn cáo đực và cái có kích thước bằng nhau
Vượn cáo đực và cái đều phát triển tới một kích thước như nhau. (Ảnh: Đại học Rice/ Photos.com)

“Nếu như con cái chỉ đáp ứng giao phối trong một khoảng thời gian ngắn như ở loài vượn cáo thì chúng tôi cho rằng đó là một chiến lược có lợi,” Dunham, đồng tác giả nghiên cứu với nhà sinh học Volker Rudolf cho biết.

Để kiểm nghiệm lại giả thuyết của mình, Dumham và Rudolf đã kiểm tra 61 loài động vật linh trưởng và thấy rằng nút giao cấu thường xuất hiện ở những loài mà thời gian đáp ứng giao phối ở giống cái rất ngắn và hai giống có kích thước bằng nhau. Hiện tượng này không chỉ có ở vượn cáo mà ở cả một số loài khác, ví dụ như khỉ sóc Nam Mỹ.

“Ý kiến của chúng tôi cần có thêm thời gian kiểm nghiệm, vì đây là một giả thuyết mới chi tiết hơn những giả thuyết trước đó. Giờ đây chúng tôi đang nóng lòng tiến hành nghiên cứu sâu hơn,” Dunham chia sẻ. “Chúng tôi đã có một vài dự đoán cụ thể về các điều kiện nảy sinh hiện tượng này, cho nên có nhiều cách để triển khai kiểm nghiệm.”

Dumham cho biết bà hi vọng sẽ đến được Madagascar trong năm tới để bắt đầu thu thập các dữ liệu từ một dự án mới kiểm tra tác động của biến đổi khí hậu lên các quần thể vượn cáo.

Vượn cáo đã tiến hóa trên một hòn đảo châu Phi và cách li với thế giới linh trưởng trong 65 triệu năm, và chúng nổi tiếng vì có nhiều nét khác biệt so với những loài động vật linh trưởng còn lại. Ví dụ, một số cá thể vượn cáo ngủ đông, dự trữ mỡ trong đuôi, và toàn bộ loài vượn cáo đều có hàm răng với thiết kế như một chiếc lược dùng để chải lông. Vượn cáo còn khác biệt cơ bản ở một bí ẩn đối với giới khoa học: giống cái loài này là giống chiếm ưu thế.

Các khảo sát của Dunham về bí mật liên quan tới sự chiếm ưu thế của giống cái ở vượn cáo khiến bà đưa ra một giả thuyết quan trọng khác vào năm ngoái. Nội dung giả thuyết này được trình bày chi tiết trên tờ Animal Behavior, theo đó vượn cáo cái có xu hướng lấn át vượn cáo đực vì những con cái đảm nhận hoàn toàn vai trò chăm nuôi con cái, do đó nó có thêm ý chí để chiến đấu và chiến thắng.

“Lý thuyết trò chơi dự báo rằng khi khả năng đấu tranh của hai đối thủ là ngang nhau, kết quả của cuộc đấu sẽ phụ thuộc vào giá trị động cơ chiến đấu của mỗi bên,” bà nói. “Trong trường hợp này, con cái rõ ràng phải đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn, nhưng lí do duy nhất con cái giành được ưu thế trước con đực là vì cả hai có kích thước và ngồn sức mạnh tương đương nhau.”

 

Theo G2V Star (PhysOrg)