Giác quan thứ sáu của động vật

Giác quan thứ sáu của động vật

Mèo biết được chính xác khi nào chúng bị đem đến bác sĩ thú y. Chó cảm nhận được sự hiện diện của chủ nhân – thậm chí khi họ ở xa hàng cây số. Và chim dường như khóc thương cái chết của những người xung quanh …thú nuôi của chúng ta và những động vật khác lúc nào cũng có trực giác – nhưng liệu có thực là chúng có giác quan thứ sáu bí ẩn?

Cuốn sách mới của một trong những chuyên viên hàng đầu của Anh về các trải nghiệm cận kề cái chết, Tiến sĩ Peter Fenwick, và vợ là Elizabeth, một tư vấn viên, khảo sát những trường hợp đáng chú ý của những con vật có linh cảm kỳ lạ.

Không có gì mới về ý tưởng động vật có thể thu thông tin từ một giác quan phụ mà con người chúng ta giờ đã đánh mất – nếu chúng ta từng có. Phần lớn những chủ vật nuôi có thể đưa ra vài ví dụ về chó hoặc mèo cư xử như thể chúng đọc được suy nghĩ của chúng ta.

Chó thường hành động như thể chúng biết khi nào chủ nhân chuẩn bị về nhà, mặc dù chủ của chúng có thể ở khá xa, và chúng chờ ở cửa đến khi họ về. Mèo nổi tiếng vì có thể cảm nhận được việc phải đến bác sĩ thú y.

Nhà nghiên cứu Rupert Sheldrake, tác giả cuốn Dogs That Know When Their Owners Are Coming Home (Chó biết khi nào chủ nhân về nhà), đã liên lạc với 65 văn phòng thú y ở London và hỏi xem liệu họ có gặp trở ngại khi xếp lịch hẹn với các chủ nuôi mèo hay không. 64 phòng khám xác nhận vấp phải vấn đề trên, thậm chí một số nơi không còn đặt lịch hẹn cho chủ nuôi mèo nữa và giải thích rằng “Lịch hẹn cho mèo không hiệu quả.”

Những chú mèo dễ dàng nhận ra việc chủ nhân đang tiến lại gần với chiếc giỏ mèo. Thực tế loài vật này bắt đầu trốn khi chúng cảm nhận rằng người chủ bắt đầu nghĩ “Mình nên tìm con Puss ngay nếu muốn đến bác sĩ đúng giờ…” Tương tự, nhận thức cái chết không chỉ giới hạn ở con người. Trường hợp gây nhiều hứng thú nhất là chú mèo Mỹ Oscar, cho thấy sự ngạc nhiên mà khả năng tiên tri của thú nuôi tạo ra.

Giác quan thứ sáu của động vật

Oscar, một chú mèo sống ở nhà dưỡng lão, có khả năng đặc biệt là biết trước khi nào các bệnh nhân ở đây sắp qua đời. (Ảnh: AP)

Oscar sống trong nhà dưỡng lão và có khả năng thần bí là cảm nhận được khi nào có người chuẩn bị qua đời. Khi một bệnh nhân cận kề cái chết, Oscar gần như lúc nào cũng xuất hiện và nhảy lên giường họ.

Nhân viên ở đây đã nhận ra và tôn trọng bản năng của Oscar. Họ liên lạc với người thân của bất kỳ bệnh nhân nào chú cuộn tròn bên cạnh. Tuy vậy, họ lại không có lời giải thích cho việc này. Oscar không để ý đến những bệnh nhân đơn giản có vẻ ngoài ốm yếu hoặc người vẫn còn sống được vài ngày.

Một giả thuyết cho rằng mèo có khả năng đánh mùi và có thể phát hiện ra những thay đổi tinh vi trong hệ chuyển hóa xung quanh thời điểm qua đời, nhưng không ai có thể giải thích vì sao bất kỳ chú mèo nào cũng tỏ ra quan tâm khi tử thần đến gần.

Dựa trên điều này, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi nhiều người kể cho chúng tôi các câu chuyện về chó mèo liên quan đến sự qua đời.

Ann Liddell miêu tả lại cách cư xử kỳ quặc của chú chó Newfoundland mới của cô vào đêm mẹ cô mất. “Vào khoảng 4.30 sáng nó bắt đầu sủa – không phải tiếng sủa cảnh báo sắc gọn bình thường, mà gần như nó tru lên. Tôi biết ngay lập tức là mẹ tôi vừa qua đời, và ngay sau đó tôi nhận được điện thoại thông báo từ bệnh viện.”

Mẹ của Michael Finch đang hấp hối vì căn bệnh ung thư. Một đêm Michael rời bệnh viện và về nhà để thả chú chó ra. “Tôi sẽ không bao giờ quên được điều này trong suốt cuộc đời. Vào lúc 10.45 tối, con chó bắt đầu tru lên như sói. Tôi thấy lạnh xương sống. Tôi biết ngay là mẹ tôi vừa mất. Trong vòng năm phút nó sủa điên dại và sau đó về giường. Chú chó này thuộc giống Cavalier King Charles và chưa từng phát ra thứ âm thanh sâu, hoang dại và gay gắt đó. Khi cha và chị tôi trở về sau đó, họ xác nhận là mẹ tôi qua đời lúc 10.45 tối.”

Susan Burman kể lại khi chồng bà qua đời trên giường, con mèo của họ cuộn tròn dưới chân ông. Khi ông trút hơi thở cuối cùng, lông mèo dựng đứng lên như thể do tĩnh điện.

Chúng tôi được người chăm sóc cho biết phản ứng tương tự của một con mèo thường ngủ trên giường với người bệnh. Chú mèo đột nhiên đi vào phòng vào thời điểm người đó qua đời. Một y tá có mặt kể rằng “Nó run rẩy đi lại quanh phòng vài lần rồi sau đó phóng vọt ra ngoài như thể nó không muốn ở lại đó vậy. Nó đã cảm nhận được các linh hồn đến dẫn người chủ đi.”

Chuyện về loài mèo

Câu chuyện về con mèo của nhà Cox còn lạ lùng hơn. Nó liên quan đến Brian, một trong những người bạn lâu nhất của chúng tôi, một nhà sinh hóa học đang làm việc trong khoa nghiên cứu của đại học, một người mà bạn sẽ nghĩ là ít khi tưởng tượng hoặc kết luận vội vàng.

Vài năm trước khi dì của Brian mất, bà đến thăm ông rất đều đặn. Mỗi lần đến, bà đều dành phần lớn thời gian ngồi trên một cái ghế nhất định, và con mèo sẽ dành thời gian của nó ngồi trên đầu gối bà.

Người dì luôn nhấn mạnh với cháu rằng khi bà ấy mất, Brian phải chắc chắn mai táng bà bên cạnh người chồng, nếu không bà sẽ quay lại ám Brian. Vài tháng sau, bà ấy mất. Giữa ngày bà mất và đám tang của bà, con mèo cư xử lạ lùng. Khi đi vào phòng khách, lông của nó dựng hết lên. Nó tránh cái ghế của dì và trốn đằng sau ghế xô pha. Sau đám tang, khi bà thực sự được chôn bên chồng, con mèo mới cư xử bình thường như cũ.

Khác với Oscar – chú mèo chưa bao giờ mất bình tĩnh khi đối mặt với cái chết – phần lớn các loài động vật được kể là rất rối loạn.

Chó sủa hoặc tru, còn lông mèo thì dựng đứng. Có lẽ chúng đang trải nghiệm sự hiện diện của cơn hấp hối, hoặc nhận biết cái chết – nhưng không cần phải hỏi xem chúng có thoải mái không.

Tuy nhiên, loài chim lại hay được liên hệ với cái chết – thường là vật báo hiệu điềm xấu. Một vài người đã gửi cho chúng tôi những câu chuyện có liên quan đến loài chim.

Trong hai trường hợp sau khi có người qua đời, một con chim nhỏ sẽ bay vào nhà và đậu hờ hững trên một đồ vật trước khi bay ra. Không phải tất cả đều bất thường – nhưng việc một chú chim xuất hiện và không tỏ ra sợ hãi thì đúng là điều lạ. Thường thì khi chim bay vào nhà, chúng sẽ bay vòng quanh, đập người vào cửa sổ, hoảng hốt tìm lối thoát.

Những người trong cả hai trường hợp đều cảm thấy chuyến thăm của chim có liên hệ mật thiết với cái chết. Y tá Alison Hole mô tả cho chúng tôi khoảnh khắc sau cái chết của một trong các bệnh nhân của cô.

Sự nặng nề trong không khí phòng và cảm giác có “một cái gì đó” còn lẩn khuất cần giải thoát sau cái chết, cũng được nhiều người đề cập đến. Alison viết “Đi ngang qua một căn phòng phải chậm vì bầu không khí nặng nề và sàn nhà thì như đi trên nhựa đường.”

“Khi tôi mở cửa sổ, bầu không khí trong phòng nhẹ nhõm hơn và tôi nhận thấy một con chim trắng phía bên kia cửa sổ. Việc các loài chim làm tổ hoặc nghỉ chân bên cạnh cửa sổ bệnh viện là chuyện bình thường, nhưng lúc này đã gần 4 giờ sáng mùa đông. Trời tối và còn quá sớm trước bình minh, hơn nữa đây không phải là một con mòng biển. Tôi chưa bao giờ thấy một con chim trông như thế nữa trong vùng.”

Câu chuyện sau đây mô tả hành vi loài chim vượt mức mong đợi đối với một chú chim bình thường trong các điều kiện bình thường.

Con cú của Oliver Robinson xuất hiện một thời gian sau cái chết liên quan đến nó, vì vậy nó được phân loại vào dạng giao tiếp sau cái chết hơn là sự trùng hợp khi qua đời.

Nhưng hành động kỳ lạ của con cú, cùng với cảm giác nó gây nguy hiểm cho mẹ của Oliver, khiến cho chúng tôi không thể không đăng kèm câu chuyện này.

Hành vi kỳ lạ

Lần xuất hiện đầu tiên của con cú là một buổi sáng tháng 4 ấm áp, vài tháng sau cái chết của người bà Oliver. Mẹ của Oliver kể lại những gì đã xảy ra.

“Có một cuộc hỗn loạn kinh khủng bên ngoài nhà bếp, do lũ chim trong vườn gây ra. Khi tôi ra ngoài để xem có chuyện gì, những con chim đang lăn xả vào một con cú đậu trên một trong các nhánh thấp của cây sồi. Điều lạ lùng ở chỗ một con cú lại ở ngoài trời vào giữa ban ngày và mặc dù những con chim bé đang cố xua nó đi, nó chỉ đậu yên lặng trên cành cây.

Khi trời nóng lên tôi mở cánh cửa sổ hướng nam của căn nhà. Khi tôi bước ra vườn, tôi nghe tiếng vỗ cánh và con cú bay xuống rồi đỗ trước mặt tôi trên bãi cỏ. Nó là một con cú nâu lớn, cao khoảng 30cm. Nó nhìn tôi bằng đôi mắt nâu to tướng và kêu. Trông nó có vẻ thuần hóa. Suốt cả ngày, mỗi lần tôi bước ra ngoài, con cú lại bay xuống và đứng trước mặt tôi. Gần như nó đang cố nói với tôi điều gì. Đôi mắt nâu của nó nhìn rất người và nó gợi tôi nhớ đến mẹ, cũng tóc nâu, mất vào mùa hè năm trước.”

Giác quan thứ sáu của động vật

Những loài chim như cú tuyết được cho là hay xuất hiện sau khi có người qua đời.

Hành vi lạ lùng của vị khách lông vũ không dừng ở đó.

Mẹ của Oliver tiếp tục “Khi chồng con tôi về nhà tôi kể cho mọi người về con cú nhưng không nghĩ gì đến nó nữa. Chúng tôi luôn ngủ để cửa sổ mở, và vào đêm đó có tiếng động xào xạc ngoài cửa sổ. Con cú bay xuống ngồi trên cửa sổ – chồng tôi không thích thế chút nào. Sáng hôm sau, tôi mở cửa sổ nhà bếp. Ngay khi tôi mở cánh cửa lớn trên bồn rửa, con cú bay ngay vào nhà bếp.”

“Tốt nhất là chồng con tôi đi ra ngoài và đóng cửa còn tôi mở cửa ngoài, hy vọng xua nó ra khỏi nhà, nhưng nhìn nó khá thoải mái trong nhà bếp.”

“Nó bay ra đầu kia căn phòng và đỗ trên thanh mắc màn cửa quan sát tôi. Nó có sải cánh rất rộng mà ngạc nhiên là không có thứ gì bị hất đổ. Cuối cùng nó bay ra khỏi cửa sổ và đỗ ngoài hè sau.”

“Khi chúng tôi đi ra xe cũng vào sáng đó, nó bay thẳng xuống và đỗ trên chậu hoa tôi đang vác. Khi chúng tôi lái xe ra ngoài, nó đỗ trên cột cổng và nhìn theo. Nó bay đến cửa sổ chúng tôi lần nữa vào tối hôm đó và đỗ ở hè sáng hôm sau, nhưng không đến gần tôi nữa. Sau vài ngày nó biến mất. Cứ từ đó về sau tôi hay nghe tiếng của nó xung quanh.”

Khả năng bay luôn được cho là quyền năng phép thuật, chỉ có trong mơ. Có lẽ vì vậy mà chim luôn được xem là có yếu tố siêu nhiên và tại sao trong nhiều truyền thuyết và thần thoại, chúng là mối liên hệ của thế giới loài người và siêu nhiên hoặc thần thánh, liên quan đến cả cái chết hoặc sự ra đời.

Trong nhiều nền văn hóa, linh hồn con người được tin là đến với trái đất dưới lốt chim, và trong nhiều cộng đồng, chim được xem là người mang hoặc biểu tượng của linh hồn con người, bay lên thiên đường sau khi chết, hoặc là thần hộ mệnh có nhiệm vụ dẫn dắt linh hồn con người sang thế giới bên kia.

Có lẽ những câu chuyện chim phức tạp ngày nay cho thấy nguồn gốc của những thần thoại này – hoặc chúng chỉ là minh họa của những gì không đơn giản như truyền thuyết.

Cuốn sách The Art of Dying (Nghệ thuật qua đời) của Peter và Elizabeth Fenwick, do Continuum Books xuất bản, hiện đang được bán rộng rãi.

 

Theo Tuệ Minh (Daily Mail – Anh)