Có lẽ cuối cùng giới khoa học đã tìm được chứng cứ cho thấy con người thật sự sở hữu giác quan thứ sáu.
Nhiều sinh vật dựa vào từ trường của trái đất để di trú, và giới khoa học luôn thắc mắc liệu con người cũng sở hữu khả năng tương tự hay không. Điều gì đã dẫn lối cho những người Polynesia rong ruổi trên biển cả trong các hành trình dài đến 5000km dưới trời đêm không trăng sao, nếu chẳng phải là khả năng định hướng tài tình dựa vào trực giác? Sau nhiều năm thất bại trong nỗ lực tìm kiếm chứng cứ cho cái gọi là “giác quan thứ sáu” của con người, các nhà khoa học lần đầu tiên có thể chứng minh được giả thuyết của họ, nhờ vào cuộc nghiên cứu do đội ngũ chuyên gia tại Đại học Massachusetts (Mỹ) thực hiện, theo báo The New York Times.
Trưởng nhóm Steven MReppert, chuyên gia về thần kinh học, đã nghiên cứu về vai trò của cryptochrome, protein nhạy cảm với ánh sáng, trong việc giúp loài bướm vua di chuyển. Tuy nhiên, loài bướm này vẫn có thể bay đúng hướng dù không có ánh mặt trời, do đó chúng phải có một hệ thống khác hỗ trợ. Do các nhà hoá học từng nghi ngờ rằng cryptochrome có thể “cảm giác” được từ trường, tiến sĩ Reppert đưa ra giả thuyết cryptochrome đã được loài bướm vua dùng để định hướng trong đêm tối. Và điều ngạc nhiên là một trong 2 gen cryptochrome của loài bướm trên có cấu trúc tương tự với gien cryptochrome ở người.
Sau khi thực hiện thí nghiệm trên loài ruồi giấm, nhóm của Reppert phát hiện cryptochrome, lấy từ võng mạc người, có thể giúp ruồi giấm sở hữu khả năng phát hiện từ trường, hay nói đúng hơn là protein này có chức năng hoạt động như một cảm biến từ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ con người có sử dụng “giác quan” này trong thực tế hay không, và làm thế nào để tận dụng được khả năng đặc biệt đó? Theo Reppert, mục tiêu kế tiếp là làm sao giải mã được cách cryptochrome cảm ứng được từ trường, và cách nó truyền đạt lại thông tin này ở trường hợp ruồi giấm và bướm vua. Từ đó, ông hy vọng sẽ rút ra được kết luận đối với trường hợp con người.