Tại sao mối đe dọa đang hủy hoại dần dần của những rặng san hô trên thế giới cũng là vấn đề sống còn của con người?
Rặng san hô Great Barrier Reef là một trong những kỳ quan thiên nhiên của thế giới, bao phủ trên một khu vực rộng hơn cả nước Ý và thu hút gần hai triệu du khách đến đây để đi thuyền, bơi lội, lặn snorkel và bơi lặn giữa các quần thể động thực vật biển. Nơi đây thu về cho nước Úc lợi nhuận 6 tỷ USD hàng năm và cung cấp việc làm cho hơn 50.000 người. Nhưng chiếc nôi của hơn 11.000 sinh vật này cũng là một trong những hệ sinh thái dễ bị tổn thương nhất hành tinh.
Rặng san hô Great Barrier Reef
Phần nền của rặng san hô này không bền vững được lâu. San hô cấu tạo thành từng cụm tiết ra calcium carbonate tạo thành những rặng ngầm dưới biển. Khi mạnh khỏe, các rặng san hô cung cấp chiếc nôi trú ẩn và lương thực cho các sinh vật theo chuỗi dây chuyền thực phẩm, và ở trên tất cả là con người. Trên khắp hành tinh, có nửa tỷ người đang sống nhờ vào những rặng san hô, trực tiếp hoặc gián tiếp. Đó là lý do tại sao những gì xảy ra cho Great Barrier Reef có 9.000 ngàn tuổi, rộng 2.300km, được UNESCO công nhận là di sản thế giới, và những rặng san hô khác trên thế giới, đã trở thành vấn đề sống còn của con người.
Những trận lũ lụt ở Queensland, Úc, gần đây đã gây tổn thất lớn cho dân Úc, đồng thời cũng hủy hoại Great Barrier Reef bằng cách đổ vào đại dương một lượng lớn nước ngọt và những vật chất thuộc nông nghiệp, những thứ có thể gây tổn hại nặng cho san hô. Bên cạnh đó, những trận mưa lớn gây lũ lụt, nhiệt độ nước biển tăng lên, những thay đổi ảnh hưởng tới tính chất hóa học của biển, và mậu dịch toàn cầu gây ảnh hưởng tới tài nguyên thiên nhiên, đã dẫn đến cuộc chiến muôn mặt đối với môi trường biển.
Hiện nay tại đảo Heron, Úc, các hệ thống máy tính đang xúc tiến đo xét nghiệm độ pH của nước biển chảy qua rặng san hô. Những thông tin này sẽ cho thế giới biết được diễn biến đang xảy ra tại Great Barrier Reef và 90% của các rặng san hô khác trên thế giới. Các nhà khoa học muốn biết được san hô đã phản ứng như thế nào trước quá trình acid hóa của đại dương, yếu tố được cho là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với môi trường biển ngày nay.
Các đại dương hấp thu một nửa số lượng carbon dioxide do con người sản xuất, đồng thời giúp giảm bớt ảnh hưởng của các chất thải từ nhiên liệu hóa thạch trong khí quyển, nó cũng gây phản ứng làm cho nước biển gia tăng độ acid. Những thay đổi đó là một tin xấu đối với san hô. Khi nước biển trở nên acid hóa nhiều hơn, các xương san hô sẽ trở nên yếu và có khuynh hướng gãy đổ dễ dàng hơn.
Các mức carbon dioxide đã tăng lên gần 40% so với lúc bắt đầu thời đại công nghiệp hóa, từ 280 phần triệu (ppm) tới khoảng 385 ppm. Các nhà khoa học ước tính rằng, san hô và các sinh vật khác thuộc những rặng san hô sẽ tự thích ứng cho đến khi con số chạm mức 400 ppm. Đến lúc đó, ngay cả san hô cứng cũng bị tuyệt chủng, và những rặng san hô trên thế giới bắt đầu bị hủy diệt dần dần.
Theo Công an