Giải đáp về tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem

Giải đáp về tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem
Những ngày gần đây, phụ huynh tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến vắc xin dịch vụ và vắc xin Quinvaxem. Dưới đây là một số giải đáp về vấn đề tiêm vắc xin Quinvaxem:
Độc giả mong muốn được giải đáp đầy đủ hơn về những lợi ích và nguy cơ có thể có khi cho con đi tiêm phòng loại vắc xin này? Tiêm vắc xin Quinvaxem có thể xảy ra những phản ứng gì? 
Vắc xin Quinvaxem là loại vắc xin phối hợp cùng phòng được 5 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan siêu vi B, viêm phổi/viêm màng não do loại vi khuẩn Hib. Đây đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần đề phòng. Những bệnh này trẻ rất dễ mắc, khiến ảnh hưởng tới sự phát triển cũng như sức khỏe của bé. 
Dùng vắc xin 5 trong 1 của chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ giảm số mũi tiêm với trẻ, tiết kiệm thời gian cho phụ huynh, trẻ có cơ hội phòng 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như nói trên.
Hiệu quả phòng bệnh của vắc xin Quinvaxem và tính an toàn của loại vắc xin này đã được Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận. Tuy nhiên, cũng như các loại thuốc hoặc vắc xin khác khi tiêm đều có thể xảy ra phản ứng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các phản ứng nặng thường rất hiếm gặp khi tiêm vắc xin này.
Giải đáp về tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem
Sau khi tiêm vắc xin, trẻ có thể có một số phản ứng thông thường như sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, sưng tấy hay đau ở chỗ tiêm hoặc quấy khóc…Các phản ứng này có thể sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày sau đó. 
Một số phản ứng có thể gặp khi sử dụng vắc xin Quinvaxem cũng như sử dụng vắc xin DPT có thành phần ho gà toàn tế bào như khóc trên 3 giờ trong 48 tiếng sau tiêm vắc xin có tỷ lệ 1/100 liều vắc xin sử dụng, co giật kèm sốt hoặc có thể không sốt trong 3 ngày sau tiêm có tỷ lệ 1/100 liều sử dụng, giảm trương lực cơ hoặc giảm đáp ứng trong vòng 48 tiếng sau tiêm với tỷ lệ 1-2/1 triệu liều, sốc phản vệ có thể xảy ra với tỷ lệ 1-20/1 triệu liều
Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan virus B, viêm phổi/viêm màng não mủ do khuẩn Hib chứa thành phần vắc xin ho gà toàn tế bào. Cho nên miễn dịch của trẻ sau tiêm bền vững hơn so với vắc xin trong tiêm chủng dịch vụ với thành phần ho gà vô bào.
Từ năm 2010 đến nay, ở nước ta có 25 triệu liều vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan virus B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib được dùng an toàn cho trẻ dưới 1 tuổi. Tỷ lệ phản ứng thông thường và phản ứng nặng sau tiêm đều ở mức thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới.
Những biểu hiện nào sau tiêm chủng là bất thường, khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?
Cần đưa NGAY trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như phát ban, sốt cao (>39°C), co giật, quấy khóc kéo dài, khó thở, tím tái, li bì, lơ mơ, bú kém, bỏ bú…. hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.
Nếu cha mẹ không yên tâm về những phản ứng của con sau khi tiêm chủng có thể trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách theo dõi và chăm sóc trẻ
Các phản ứng nặng có thể qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời. Các bà mẹ cần chú trọng việc theo dõi sức khỏe của con mình sau khi tiêm chủng liên tục ít nhất trong 24h sau khi tiêm.
Sau khi tiêm chủng về nếu cháu bị sốt, quấy khóc thì phải làm gì?
Sau tiêm chủng có thể trẻ có những biểu hiện khác nhau như đau ở chỗ tiêm, sốt nhẹ. Các phụ huynh phải cho trẻ bú nhiều hơn, theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ, không đắp bất cứ thứ gì lên chỗ tiêm, cho bú khi trẻ đang thức.
Nếu trẻ bị sốt phải cặp nhiệt độ và theo dõi sát mức nhiệt. Việc dùng thuốc hạ sốt phải theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, cán bộ y tế. Nếu không đỡ cần phải đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời. Nếu trẻ có biểu hiện quấy khóc liên tục, khóc nhiều, bà mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.
Vũ Minh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.