Giải mã bí ẩn “thành phố mất tích” ngoài khơi Hy Lạp

Giải mã bí ẩn

Bí ẩn về một “thành phố bị mất tích”, được phát hiện năm 2013 ngoài khơi đảo Zythankos ở Hy Lạp, vừa được giải mã bởi các nhà khoa học nước này.

Nhóm nghiên cứu do GS Julian Andrews thuộc ĐH Đông Anglia dẫn đầu đã điều tra “thành phố” này và công bố kết quả trên tạp chí Địa lý dầu khí và biển.

Theo đó, các kết cấu bí ẩn như có bàn tay con người ở khu vực này là do khí metan rò rỉ từ dưới đáy biển, một đặc điểm địa chất tự nhiên đã hình thành cách đây 5 triệu năm.

Kết luận này làm nhiều người thất vọng vì mong đợi “thành phố bị mất” là một công trình cổ đại có thể so sánh với Heracleion, thành phố mất tích nổi tiếng ở Ai Cập đã chìm xuống biển cách đây 1.200 năm.

“Thành phố” do các thợ lặn tìm thấy nằm ngay bên ngoài vịnh Alikanas của Zakynthos, giữa Zakynthos và Peloponnese, bán đảo phía tây của đảo chính Hy Lạp.


Vị trí “thành phố” dưới nước ở bờ biển vịnh Alikana trên đảo Zakynthos, Hy Lạp. (Ảnh: Daily Mail).

Các cột đá khổng lồ nằm trên mặt đáy biển, xung quanh là nhiều dãy đá hình chữ nhật giống đá lót đường. Gần đó là một số loại đá hình tròn lớn tạo thành những chiếc đĩa nhô ra từ thềm nước biển. Tất cả trông như một thành phố cảng Hy Lạp bị chôn vùi hàng thế kỷ dưới đáy biển.


Khu vực này có các sàn nhà lót gạch và chân cột hình tròn.

Theo GS Andrews, lý do vì sao người ta suy đoán như vậy cũng dễ hiểu. Nhìn thoáng qua, khu vực này có các sàn nhà lót gạch và chân cột hình tròn nhưng không có dấu vết nào của đời sống con người như đồ gốm.

Nhóm nghiên cứu kết luận thành phố nằm ở độ sâu 2-5m dưới mực nước biển này thật sự là một hiện tượng địa chất tự nhiên.

Các hình thái bánh rán và đĩa hơi giống chân cột hình tròn là ví dụ tiêu biểu cho quá trình khoáng hóa hydrocarbon bị rò rỉ thường thấy ở các cấu trúc địa chất cổ và thềm lục địa hiện đại.


Đá lót đường và cột là kết quả do khí rò rỉ ở các đứt gãy ngay bên dưới đáy biển.

Đá lót đường và cột là kết quả do khí rò rỉ ở các đứt gãy ngay bên dưới đáy biển. Các vi khuẩn sống trong trầm tích ở thềm lục địa được cung cấp năng lượng từ khí metan sẽ biến trầm tích thành một loại xi măng tự nhiên được gọi là dolomite.


Các hình thái này sẽ lộ ra dưới đáy biển khi trầm tích xung quanh bị xói mòn.

Quá trình kết hạch này khá phổ biến ở các trầm tích giàu vi khuẩn nhưng khi đứt gãy không bị cắt đứt hoàn toàn, nó sẽ tạo ra các hình thái ống và cột trong trầm tích.

Khí phun trào dọc theo đáy biển ở các khu vực khác sẽ tạo ra các hình thái khác nhau như các tấm hình chữ nhật hoặc đường ống. Các hình thái này sẽ lộ ra dưới đáy biển khi trầm tích xung quanh bị xói mòn.


Đa số phát hiện tương tự thường ở độ sâu hàng trăm hoặc hàng ngàn mét dưới đáy biển.

Giáo sư cũng cho biết hiện tượng này khá hiếm ở vùng nước cạn. Chỉ có một điều đặc biệt là sự rò rỉ metan ở đây xảy ra ngay trên bờ biển. Đa số phát hiện tương tự thường ở độ sâu hàng trăm hoặc hàng ngàn mét dưới đáy biển. Hiện tượng này cũng xảy ra ở Biển Bắc và tương tự với hệ quả của fracking, một kỹ thuật khai thác dầu bằng cách mở rộng các vết nứt trong đá và các hình thái khác của đá để dầu và khí tràn ra nhiều hơn.

Kết quả nghiên cứu đã phá tan mọi hứng thú, tò mò của các thợ lặn trong vài năm qua. Nhưng theo GS Andrews, khu vực này vẫn có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái dưới nước. Các khe nứt nhỏ sẽ là nhà cho các chú cá giống như một quặng ngầm. Ông cũng tin rằng ngành du lịch sẽ không bị ảnh hưởng vì khu vực này có nhiều thứ đẹp theo cách riêng của chúng và các du khách sẽ thích những cấu trúc kỳ dị.

 

Theo PLO