Giới nghiên cứu rốt cuộc đã tìm được câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi hóc búa lâu nay rằng, khủng long là động vật máu nóng giống chim và động vật có vú, hay máu lạnh giống bò sát, cá và các loài lưỡng cư.
Khủng long từng là loài động vật thống trị trên cạn cho tới khi bị một thiên thạch xóa sạch sự tồn tại trên Trái đất cách đây 65 triệu năm. Các nhà khoa học đã đánh giá sự trao đổi chất của nhiều loại khủng long, sử dụng một công thức tính toán dựa vào khối lượng cơ thể của chúng. Khối lượng cơ thể của các con khủng long lại được hé lộ qua kích thước các xương đùi cũng như tốc độ tăng trưởng của chúng, thể hiện qua những vòng tăng trưởng trong xương hóa thạch (tương tự như vòng tăng trưởng ở thân cây).
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá 21 loài khủng long, bao gồm cả những “quái vật” săn mồi như Tyrannosaurus và Allosaurus, khủng long cổ dài Apatosaurus, khủng long mỏ vịt Tenontosaurus và khủng long bay Troodon, rồi đem so sánh kết quả thu được với kết quả nghiên cứu của hàng loạt động vật có vú, chim, cá có xương, cá mập, tắc kè, rắn và cá sấu.
Tốc độ phát triển và trao đổi chất của khủng long không giống nhóm động vật máu nóng hay nhóm máu lạnh. (Ảnh: newsapace.com)
Chuyên gia sinh vật học tiến hóa và sinh thái học Brian Enquist thuộc Đại học Arizona (Mỹ), cho biết: “Các kết quả đối chiếu của chúng tôi cho thấy, khủng long có tốc độ phát triển và trao đổi chất thực sự không đặc trưng cho nhóm động vật máu nóng hay máu lạnh. Chúng không diễn ra như ở động vật có vú hay chim, hoặc bò sát và cá. Thay vào đó, chúng có tốc độ phát triển và sự trao đổi chất trung gian giữa các sinh vật máu nóng và sinh vật máu lạnh ngày nay. Nói tóm lại, khủng long từng sở hữu các đặc điểm sinh lý học không phổ biến trong thế giới ngày nay”.
Trong giới nghiên cứu đã nổ ra một cuộc tranh cãi dai dẳng về việc khủng long là các động vật máu lạnh, chậm chạp và ì ạch như các đề xuất khoa học lần đầu tiên vào thế kỷ 19, hay là động vật máu nóng với các đặc điểm sinh lý học phát triển độc nhất vô nhị.
Khi các nhà khoa học khai quật được nhiều hóa thạch khủng long trông có vẻ nhanh nhẹn hơn như loài khủng long Velociraptor, một số chuyên gia đã lên tiếng ủng hộ quan điểm rằng, khủng long có máu nóng và nhanh nhẹn như động vật có vú và chim. Việc thừa nhận, chim tiến hóa từ các loài khủng long nhỏ, có lông vũ dường như đã củng cố quan điểm này.
Nhà sinh vật học John Grady thuộc Đại học New Mexico (Mỹ) tuyên bố, ý tưởng cho rằng khủng long hoặc là động vật máu lạnh, hoặc là động vật máu nóng, quá đơn giản khi chúng ta xem xét suốt quãng thời gian rất dài. Giống như khủng long, một số động vật đang sinh tồn trên Trái đất hiện nay như cá mập trắng khổng lồ, rùa biển luýt (hay còn gọi là rùa da) và cá ngừ không dễ dàng phù hợp với bất kỳ mục phân loại nào.
Theo ông Grady, câu trả lời tốt nhất là, khủng long là động vật ở giữa nhóm máu nóng và nhóm máu lạnh. Quá trình trao đổi chất ngay tức khắc có thể đã cho phép khủng long phát triển kích thước lớn hơn nhiều so với bất kỳ động vật có vú nào khác.