Giải mã ‘cơn mê sảng tập thể’ của cổ động viên Việt Nam

Giải mã ‘cơn mê sảng tập thể’ của cổ động viên Việt Nam

Dù đội nhà thua trận chung kết nhưng nhiều cổ động viên đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam vẫn lao ra đường hô vang khẩu hiệu “Việt Nam vô địch”.

Giành huy chương bạc, Việt Nam vẫn… vô địch

Sau khi tiếng còi kết thúc trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games vang lên trên sân vận động Quốc gia Lào, tưởng rằng đường phố Hà Nội sẽ có một buổi tối thanh bình.

Thế nhưng, vẫn có đến hàng nghìn cổ động viên đổ ra đường với đầy đủ cờ quạt, băng rôn cổ động, gây huyên náo không gian công cộng bằng âm thanh của động cơ xe máy và tiếng hô “Việt Nam vô địch”.

Trong bầu không khí cuồng nhiệt đó, nếu ai chưa kịp biết kết quả trận đấu giữa U23 Việt Nam và Malaysia chắc nghĩ rằng, đội nhà đã giành huy chương vàng kỳ SEA Games này. 

Giải mã ‘cơn mê sảng tập thể’ của cổ động viên Việt Nam

Các cổ động viên Việt Nam ăn mừng… huy chương bạc vẫn hô to: “Việt Nam vô địch”. Ảnh: Tuấn Linh

Đứng bên lề dòng cờ, xe, người dễ tính thì cho rằng các cổ động viên lạc quan tếu. Nhưng cũng có người chua chát gọi việc ăn mừng “Việt Nam vô địch… về nhì” của các cổ động viên tối ngày 17/12 là “cơn mê sảng tập thể”.

Bản chất là sự rối loạn hành vi tâm lý

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc làm trái khoáy kể trên là bình thường và phù hợp với các quy luật tâm lý chi phối người Việt.

Phó giáo sư, tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Hồi Loan, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Hiện tượng này có thể giải thích đơn giản là khi khao khát không đạt được, thần tượng bị sụp đổ sẽ dẫn tới hành vi tâm lý của cá nhân và tập thể diễn ra không bình thường”.

Tiến sĩ Loan dẫn ví dụ về một cuộc thử nghiệm tâm lý học do các nhà khoa học Mỹ thực hiện. Tại đó, những người nghiên cứu chia một lớp mẫu giáo ra thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất được chơi các đồ chơi mà trẻ em yêu thích trong một căn phòng, trong khi nhóm còn lại đứng ngoài phòng nhìn vào. Sau một thời gian, nhóm thứ hai mới được phép vào chơi.

Kết quả là, thay vì chơi như bình thường, nhóm trẻ thứ hai đã đập phá đồ chơi, thậm chí, khoe với nhau xem ai là người phá nhiều nhất. “Cách những đứa trẻ ứng xử với món đồ chơi được gọi là sự rối loạn hành vi tâm lý, là biểu hiện của sự thất vọng, nỗi khao khát bị dồn nén không được đáp ứng, thỏa mãn”, tiến sĩ Loan cho biết. 

Giải mã ‘cơn mê sảng tập thể’ của cổ động viên Việt Nam

Ngay sau thất bại của U23 Việt Nam, cổng thông tin chuyên về bóng đá hàng đầu của Malaysia (football.com.my) bị thay đổi giao diện trang chủ bằng hình ảnh cổ động viên Việt Nam và thông báo trang mạng này đã bị tấn công.

Cần lạnh lùng với thất bại và cả chiến thắng

Theo tiến sĩ Loan, hành vi của các cổ động viên vào tối 17/12 phản ánh đúng tâm lý của người Việt.

Điều kiện tự nhiên và lịch sử đặt dân tộc Việt Nam trước quá nhiều sóng gió và cả mất mát. Do đó, người Việt rất ham thích các lễ hội, vì các sự kiện này có thể san lấp thực tại về cuộc sống khó khăn, giúp tâm hồn bay bổng, lạc quan.

Đây là yếu tố giúp người Việt Nam vượt qua gian khổ, giành những chiến thắng vẻ vang trong lịch sử. Nhưng cũng từ đây, nảy sinh tâm lý không chịu khuất phục, không chấp nhận thất bại, và làm điều gì cũng phải chiến thắng dù là thắng lợi về mặt tinh thần. 

Giải mã ‘cơn mê sảng tập thể’ của cổ động viên Việt Nam

Theo tiến sĩ Nguyễn Hồ Loan, gánh vác “khát vọng của dân tộc”, các cầu thủ U23 của Việt Nam phải chịu một gánh nặng tâm lý quá sức. Theo thống kê của các tờ báo điện tử, mức kỳ vọng vào chiến thắng của cổ động viên Việt Nam là 92%, còn các cổ động viên Malaysia chỉ đạt 55%. Ảnh: Như Ý.

Hiện nay, khi hòa nhập với thế giới, các giải đấu bóng đá cũng có thể coi là một dịp lễ hội. Thế nhưng, khi hòa nhập với sự kiện tầm khu vực, thế giới, người Việt lại chưa được trang bị những kỹ năng sống mới, trong đó, có việc chấp nhận sự thất bại.

“Không lạc quan thì dân tộc Việt Nam không thể tồn tại và phát triển. Nhưng trong thời hội nhập, người Việt, nhất là thanh niên, cần bản lĩnh hơn với thất bại và cả chiến thắng”, tiến sĩ Loan đưa ra lời khuyên.

 

Theo Báo Đất Việt