Giải mã gen giun xoắn

Các nhà khoa học Mỹ đã giải mã DNA của một loại giun ký sinh gây bệnh giun xoắn.

“Cận cảnh” giun xoắn – Ảnh: Science Daily

Theo Science Daily, sau khi phân tích bộ gen, các chuyên gia thuộc Đại học Y Washington đã xác định được những đặc điểm độc đáo của loài giun ký sinh Trichinella spiralis, từ đó có thể chế tạo các loại thuốc “xử lý” chúng hiệu quả hơn.

Theo tiến sĩ Makedonka Mitreva, ấu trùng giun mất gần 2 tuần để di chuyển từ hệ tiêu hóa vào cơ, nơi chúng sinh sống. Vì giun xâm lấn mô cơ nên thuốc không thể phát huy hiệu lực. “Người bị bệnh này thường đau mỏi cơ trong vài tháng hay vài năm cho đến khi những con giun cuối cùng chết đi”, Makedonka Mitreva cho biết. Ước tính mỗi năm có khoảng 11 triệu người trên thế giới (phần lớn ở châu Á và Đông Âu) mắc bệnh giun xoắn. Các phương pháp chữa trị hiện thời chỉ hiệu quả khi bệnh được chẩn đoán sớm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), T.spiralis chỉ là một trong số hàng ngàn loài giun tròn ký sinh được gọi chung là tuyến trùng, gây bệnh cho 2 tỉ người trên thế giới. Các loài khác thuộc lớp này cũng gây bệnh ở vật nuôi làm thiệt hại hàng tỉ USD sản lượng mỗi năm. Trong tuyến trùng, T.spiralis phân nhánh sớm, khoảng 600-700 triệu năm trước loài C.elegans, một mẫu giun được sử dụng trong phòng thí nghiệm.

Bộ gen của T.spiralis đã được xác định có 15.808 gen, ít hơn so với C.elegans với 20.000 gen. Hơn nữa, khoảng 45% gen của T.spiralis là gen lạ, chưa được tìm thấy ở các vi sinh vật khác và cũng chưa được liệt kê trong cơ sở dữ liệu gen.

Chuyên gia Mitreva nhận định: “Phát hiện trên tạo ra những cơ hội để các nhà nghiên cứu đào sâu những đặc tính khác biệt của ký sinh trùng nhằm tạo ra các loại thuốc mới. Nếu loại thuốc mới chỉ tác động tới những đặc điểm phân tử riêng biệt của giun ký sinh, tác dụng phụ của thuốc ở con người, nếu có, sẽ không đáng kể”.

 

Theo TNO