Fido (một loài chó) đang ngủ và chân của nó co giật thì liệu có phải nó đang thực sự mơ về việc đuổi bắt thỏ hay không?
Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này là có thể. Thỏ chỉ là một phần. Nhiều bằng chứng khoa học còn khẳng định chắc chắn rằng những lúc như vậy, chó không chỉ đang mơ về thỏ mà chúng có khả năng còn mơ về những hoạt động thường ngày giống như con người.
Stanley Coren, giáo sư danh dự khoa tâm lý học tại trường Đại học British Columbia và cũng là tác giả của cuốn sách “Do Dogs Dream? Nearly Everything Your Dog Wants You to Know”(Tạm dịch: Loài chó có mơ không? Gần như tất cả mọi thứ mà chú chó của bạn muốn bạn biết) khẳng định rằng: Loài chó cũng có giấc mơ!
Trao đổi với Tạp chí Live Science, giáo sư Coren chia sẻ rằng chó ngủ nhiều hơn người và chúng thiên về các giấc ngủ ngắn. Tuy nhiên, cơ chế giấc ngủ của chúng tương đối giống với con người. Chu kỳ giấc ngủ của chó cũng trải qua các giai đoạn tỉnh táo (Wakefulness), REM (Rapid-eye-movement) và NREM (Non Rapid-eye-movement). Trên Tạp chí Hành vi sinh lý học (Physiological Behavior Journal) xuất bản năm 1977, các nhà khoa học cũng cung cấp các báo cáo ghi lại điện não đồ của 6 chú chó săn chỉ điểm trong vòng 24 giờ và nhận thấy rằng 44% thời gian đầu chúng vẫn tỉnh táo, 21% thời gian rơi vào trạng thái buồn ngủ và 12% là ở giai đoạn ngủ REM. Trong đó, khoảng thời gian ngủ sâu nhất trong giai đoạn NREM chiếm 23%, được gọi là giấc ngủ sóng chậm (slow-wave sleep).
Chó cũng trải qua giấc ngủ REM và NREM như con người
Con người mơ trong cả hai giai đoạn REM và NREM nhưng giấc mơ mà hầu hết chúng ta nhớ sau khi thức dậy lại thuộc về REM. Trong giai đoạn này, giấc mơ có ý nghĩa và thường có chút “quái dị”. Thêm vào đó, chúng ta có nhiều khả năng tỉnh dậy ngay sau giấc ngủ REM hơn là sau giai đoạn NREM. Đây là dẫn chứng được nêu ra bởi Matthew Wilson, nhà khoa học nhận thức chuyên nghiên cứu về sự biểu biết và trí nhớ tại Học viện Công nghệ Massachusetts. Ông cũng nhấn mạnh thêm “Với cách so sánh đó, những giấc mơ xuất hiện trong giai đoạn NREM thường không có gì thú vị cả”.
Giấc mơ của chuột
Năm 2001, giáo sư Wilson cùng các đồng nghiệp lần đầu tiên đã phát hiện ra rằng chuột cũng có giấc mơ; hoặc, ít nhất thì, bộ não của chúng cũng thực hiện cùng một thứ giống như bộ não người trong khi đang mơ, đồng thời tạo ra cùng một kết quả. Đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã ghi lại hoạt động của một số tế bào thần kinh nơ ron trong não chuột khi chúng ở trạng thái mê man và liên tục làm đi làm lại một vài thứ. Sau đó, họ cũng thực hiện điều này khi chuột đang ở giai đoạn ngủ REM.
Trong 44% thời gian ở các giấc ngủ REM, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các mô hình sóng não khớp với những gì mà chuột đã làm khi đang ở trạng thái mê man. Các mô hình này kéo dài trong một vài phút tại một thời điểm và giống với những gì được ghi lại khi chuột tỉnh táo. Hay nói cách khác, loài vật dường như đã “làm sống lại” các hoạt động được thực hiện khi tỉnh táo trong giấc ngủ REM và điều này cũng đã được báo cáo trong Tạp chí khoa học Neuron vào năm 2001.
Nghiên cứu giấc mơ của chuột là tiền đề để giải mã giấc mơ của chó
Sau đó 1 năm, nhóm nghiên cứu của Wilson tiếp tục đưa ra bằng chứng về sự “hình dung” lại cuộc sống hàng ngày của chuột trong giấc ngủ NREM. Nhưng trong giai đoạn này, mô hình sóng não ngắn và nhanh hơn thay vì “bắt chước” y hệt như mô hình được ghi lại khi chuột đang tỉnh táo. Ngoài ra, chúng cũng chỉ xuất hiện trong các giấc ngủ ngắn sau khi chuột thực hiện một hoạt động gì đó mà thôi.
Tuy nhiên, đã có bằng chứng cho thấy các xung xuất hiện trong NREM rất mơ hồi đối với chuột và điều này cũng giống với con người. Giáo sư Wilson và các cộng sự đã phát hiện ra rằng khi các tế bào thần kinh được tạo ra trong vùng não Hippocampus (Hồi hải mã – vùng chứa các nếp nhăn trong não ở nền sọ có liên quan tới trí nhớ và hiểu biết) thì các tế bào thần kinh trong cơ quan thị giác (Visual cortex) cũng được hình thành.
“Chúng “nhìn thấy” điều mà vùng não Hippocampus đang “nghĩ” đến”, giáo sư Wilson nhấn mạnh.
Giấc mơ của chó
Theo giáo sư Wilson, các nghiên cứu về giấc mơ của chuột là một tín hiệu tốt cho thấy giấc mơ rất phổ biến ở động vật có vú. Thực tế, giấc ngủ NREM xuất hiện trên tất cả các loài vật có xương sống và thậm chí, có thể xảy đến với một số loài vật không có xương sống như ruồi giấm. Do vậy, ngay cả ruồi cũng có thể mơ theo một cách nào đó.
Lý do khiến các mô hình sóng não của giấc mơ ở hai giai đoạn ngủ REM và NREM phổ biến dường như có liên quan đến vai trò của chúng đối với hiểu biết và trí nhớ. Giấc ngủ thúc đẩy sự hình thành trí nhớ và một sự rối loạn sẽ gây ra hiện tượng giảm trí nhớ.
Giáo sư Wilson nói thêm rằng, giấc ngủ bổ sung “một thứ gì đó” cho quá trình nhận thức và ghi nhớ. Các mô hình sóng não trong giai đoạn NREM dường như cho thấy một sự phân loại các hoạt động được thực hiện trong ngày. Trái lại, giấc ngủ REM có lẽ là lúc mà não bộ bắt đầu “bùng nổ” trong một môi trường tự do hơn mà không quan tâm tới kết quả.
Chó cũng mơ khi ngủ như con người
“Ý tưởng đó là, trong giấc ngủ, bộ não đang cố gắng tìm kiếm những con đường tắt hoặc các kết nối giữa những thứ đã trải qua nhưng bạn đã không liên kết chúng lại với nhau”, Wilson nói. Hình ảnh khác lạ xuất hiện trong những giấc mơ REM có thể là một biểu hiện của quá trình sâu hơn này.
Quay trở lại với giống chó Saint Bernard và chó sục Scottish. Chúng chuyển từ giấc ngủ REM (khoảng 20 phút) sang giai đoạn ngủ ngắn và có thể giữ nguyên trạng thái này trong khoảng 2 hoặc 3 phút. Một người chủ tinh ý có thể nhận thấy hơi thở vật cưng của mình trở nên thất thường, giáo sư Coren nói. Đối với chó con và chó già, cơ bắp có thể co giật. Ở cả người và chó, cầu não là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng tê liệt các cơ bắp trong khi ngủ, khiến cả người và chó thường xuất hiện các hành động bất thường như quẫy đạp không ngừng. Cầu não kém phát triển ở cún con và không hoạt động đúng chức năng ở chó già. Điều này giải thích tại sao những chú chó có khả năng co giật nhiều hơn khi ở giai đoạn trưởng thành (Điều này cũng đúng với con người).
Các nghiên cứu chỉ ra một phần cơ bắp tê liệt của các cầu não bị vô hiệu hóa hóa tạm thời là cách duy nhất để giải thích về những giấc mơ kỳ lạ. Một khi cầu não “ngoại tuyến”, chó sẽ bắt đầu có những hành động bất thường lúc chúng đang ngủ mơ (Ở người, hiện tượng này gọi là Rối loạn hành vi giấc ngủ – REM Sleep Behaviour Disorder).
Giáo sư Coren nhấn mạnh, “Điều mà về cơ bản chúng ta đã phát hiện ra đó là chó thường mơ những thứ rất quái dị. Thế nên, chó săn sẽ săn đuổi những chú chim trong mơ và chó Dobermans sẽ săn đuổi những tên trộm khi chúng đang mê sảng. Mô hình giấc mơ của loài chó dường như rất giống với mô hình giấc mơ của loài người”.
Giấc mơ của chó thường rất khác lạ và có liên quan tới hoạt động hàng ngày của chúng
Kích thước của chó có khả năng quyết định đến thời gian của giấc mơ mặc dù điều này vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Chó nhỏ có xu hướng có nhiều giấc mơ ngắn, Cohen nói, trong khi chó lớn có ít giấc mơ hơn nhưng chúng thường diễn ra lâu hơn.
Ở một vài khía cạnh nào đó, giấc ngủ của chó giống với con người. Chó cũng có ác mộng. Chúng có thể mắc triệu chứng narcolepsy (chứng ngủ rũ), một kiểu rối loạn gây ra cơn buồn ngủ kịch phát, hay nói cách khác là buồn ngủ tới mức không thể dừng ngủ. Thực tế, nghiên cứu về hiện tượng chó bị mắc triệu chứng này đã được thực hiện tại Đại học Stanford và một số bằng chứng hóa sinh cũng đã được phát hiện.
Tuy nhiên, điểm khác lớn nhất là loài chó không xảy ra hiện tượng Bóng đè (Sleep paralysis). Khi bị bóng đè, ý thức của bạn hoàn toàn tỉnh táo nhưng bạn có cảm giác tê liệt và không thể di chuyển. Hiện tượng bóng đè xuất hiện thường một phần do thiếu ngủ, điều mà loài chó ít khi xuất hiện, Coren nói.
Bạn hãy để chú chó nằm xuống và nó sẽ bắt đầu nhắm mắt. Lúc này, hãy quan sát nó và xem thử có điều gì bất thường không nhé.
Theo AnhScully – Live Science