Giải mã hiện tượng cực hiếm đằng sau tuyệt tác nghệ thuật “Tiếng hét”

Giải mã hiện tượng cực hiếm đằng sau tuyệt tác nghệ thuật

Giới khoa học đã giải mã được bí ẩn về bầu trời xuất hiện trong tác phẩm “Tiếng hét” này.

Không sai khi nói rằng, bức tranh “The Scream” (tạm dịch: “Tiếng hét”) của danh hoạ Edvard Munch là một trong những tuyệt tác nghệ thuật của lịch sử loài người.

Vô vàn những bí ẩn đã được giải mã đằng sau bức tranh nổi tiếng này. Và hình ảnh bầu trời “đỏ rực” trong kiệt tác The Scream cũng đã khiến các nhà khoa học phải đau đầu khi đi tìm lời giải.

Mặc dù khá nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng các nhà khoa học thuộc ĐH Oslo mới đây cho rằng, chính hình ảnh những đám mây xà cừ là nguồn cảm hứng để người họa sĩ đại tài kia sáng tác tuyệt phẩm của mình.

Được biết, họa sĩ Edvard Munch đã tạo ra đến 4 phiên bản của bức Tiếng hét từ năm 1893 – 1910. Nổi tiếng nhất là phiên bản có phần nền màu da cam cùng hình ảnh một người đang ôm chặt lấy phần đầu của mình với vẻ mặt kinh hoàng.

Vào năm 2004, các nhà thiên văn học Mỹ đã đặt giả thuyết rằng, tác giả đã được khơi nguồn cảm hứng vẽ bầu trời màu đỏ cam là do núi lửa Krakatoa phun trào năm 1883.

Bụi núi lửa bay vào không khí dẫn đến hiện tượng hoàng hôn màu lửa, diễn ra trên khắp vùng trong suốt vài năm.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới được trình bày tại Liên đoàn Khoa học Địa chất châu Âu họp tại Vienna lại chỉ ra 1 hiện tượng thiên nhiên hiếm thấy – mây xà cừ.

Mây xà cừ (Nacreous Clouds) là một dạng mây được hình thành ở những khu vực cực kỳ lạnh của tầng bình lưu thấp, ở độ cao 15.000 – 25.000m.


Những đám mây xà cừ nhiều màu sắc trông vô cùng bắt mắt.

Chúng trông giống như những tấm màng mỏng, cuộn lại rồi bung ra, trải rộng khắp rồi bỗng co lại trên bầu trời nhá nhem sáng tối.
Do mây xà cừ nằm cao hơn những đám mây thông thường nên không khí bao quanh chúng rất lạnh, thường xuống đến -85°C.
Mây xà cừ tạo thành từ những hạt nhỏ đóng băng và vị trí trên cao giúp chúng có thể tiếp nhận ánh sáng Mặt trời. Khi chạm đến các hạt, ánh sáng bị khúc xạ, chia thành nhiều dải màu rực rỡ.

Vì khá mỏng nên những đám mây xà cừ không nhìn thấy được vào ban ngày mà “hiện hình” vào trước khi Mặt trời mọc hoặc sau khi hoàng hôn.

Đứng đầu nghiên cứu – bà Helene Muri thuộc Đại học Oslo chia sẻ: “Chúng tôi phát hiện ra những đám mây xà cừ từng xuất hiện ở khu vực tác giả sinh sống vào cuối thế kỷ 19”.

Edvard Munch có lẽ đã rất hoảng sợ khi bầu trời bỗng chuyển thành màu đỏ sậm, và 1 xác suất cao cho thấy, những đám mây xà cừ chính là nguồn cảm hứng để ông phóng bút ra tác phẩm này.

Bà Muri cho rằng, có rất nhiều giả thuyết được đưa ra và đây có lẽ là lời giải hợp lý nhất. Câu trả lời được lấy trong tự nhiên để lý giải cho sự hoảng hốt, đau khổ cũng như là nguồn cảm hứng vẽ ra bầu trời độc đáo của danh họa Edvard Munch khi sáng tác bức tranh “Tiếng hét”.

 

Theo Tri Thức Trẻ