Giải mã nguồn gốc hiện tượng “ngàn sao”

Giải mã nguồn gốc hiện tượng

Các nhà thiên văn học cho hay, viễn vọng kính không gian Hubble đã phát hiện một vụ nổ tia gamma từ sự kiện được đặt tên là kilonova, tạm dịch “nổ ngàn sao”.

Lộ diện trước thiết bị thu ánh sáng hồng ngoại của Hubble, kilonova đại diện một dạng nổ tia gamma mới, xuất phát từ sự hợp nhất của hai vật thể, thường là sao neutron, Space.com dẫn thông báo của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).


Vụ nổ tia gamma vừa lọt vào tầm quan sát của Hubble lẫn Swift. (Ảnh: NASA)

Kilonova sáng gấp 1.000 lần so với một vụ nổ sao bình thường, tức nova, xảy ra khi sao lùn trắng bùng nổ, nhưng lại chỉ sáng bằng 1/10 đến 1/100 so với siêu tân tinh, tức vụ tự hủy diệt của một ngôi sao khổng lồ.

Sau khi vụ nổ tia gamma trên lọt vào tầm quan sát của viễn vọng kính Swift hôm 3/6, kính Hubble tiếp tục theo dõi khu vực đó trong suốt 9 ngày để tìm kiếm tàn tích của vụ nổ, và nó cũng phát hiện một vật thể đỏ nhạt tại đây.

Các nhà vật lý học thiên thể dự đoán rằng các vụ nổ tia gamma ngắn ngủi có thể được tạo thành khi hai ngôi sao neutron siêu nén thuộc hệ sao đôi va vào nhau, và các quan sát của Hubble đã chứng minh sự liên hệ này giữa các vụ nổ tia gamma với kilonova.

“Quan sát trên cuối cùng đã giải mã nguồn gốc bí ẩn của các vụ nổ tia gamma”, theo trưởng nhóm Nial Tanvir của Đại học Leicester (Anh).

Trước đó, các chuyên gia đã chứng minh được những vụ nổ tia gamma dài hơi (với toàn bộ quá trình diễn ra hơn 2 giây) là do sự sụp đổ của các ngôi sao cực lớn.

 

Theo Thanh Niên