Giải mã thành công bộ gen virus Ebola

Giải mã thành công bộ gen virus Ebola

Các nhà khoa học Nhật Bản vừa giải mã thành công bộ gen virus Ebola, mở ra hy vọng chữa trị hiệu quả dịch bệnh do virus này gây ra.

Bằng cách áp dụng kỹ thuật tổng hợp gen virus gọi là “di truyền học đảo ngược“, các nhà khoa học đã tạo ra virus Ebola biến đổi gen trong đó loại bỏ gen VP30, gen tạo ra protein cho phép virus tái tạo trong các tế bào chủ. Không có gen này, virus không thể phát triển.

Giải mã thành công bộ gen virus Ebola

Virus Ebola là một trong các virus gây chết người nhiều nhất thế giới.

Các nhà khoa học nhận thấy virus bị biến đổi gen đã không thể phát triển trong các tế bào bình thường và không có độc tố. Trong khi đó, số lượng virus này lại tăng lên trong các tế bào thận khỉ được lập trình với gen VP30. Ngoài việc nhân bản trong các tế bào thận khỉ, hình dáng và đặc điểm của virus bị biến đổi gien cũng giống như virus Ebola bình thường. Điều này khiến các nhà khoa học tin rằng có thể sử dụng virus bị biến đổi gen để thử nghiệm thuốc và các mục đích khác.

Với thành công trên, các nhà nghiên cứu đã kiềm chế hiệu quả virus Ebola trong một tập hợp các tế bào đặc biệt, giúp cho việc nghiên cứu virus được an toàn hơn trong những điều kiện không cần phải nghiêm ngặt và tốn kém như các biện pháp đang áp dụng. Các nhà khoa học tin rằng thành công này sẽ giúp thúc đẩy những nghiên cứu về thuốc chống virus Ebola và dọn đường cho việc sản xuất vắcxin phòng bệnh.

Virus Ebola trở thành ác mộng đối với sức khoẻ cộng đồng ở châu Phi và là loại vũ khí sinh học tiềm tàng, gây sốt xuất huyết ở người và động vật linh trưởng, với tỷ lệ tử vong lên đến 90% và được coi là một trong những nguồn gây bệnh đáng sợ nhất. Virus Ebola lần đầu tiên xuất hiện năm 1976 ở Sudan và Cộng hòa dân chủ Congo. Một dạng virus Ebola mới gần đây được phát hiện ở Uganda và dịch bệnh do loại virus này đã làm ít nhất 40 người tử vong.

 

Theo TTXVN, Tuổi trẻ