Các nhà khoa học tham gia chuyến bay thám không định kỳ phía trên khu vực Đông Nam cực đã phát hiện một cấu trúc giống hình vòng tròn bí ẩn ở vùng băng đá thường bằng phẳng và không có tì vết đặc biệt.
Những gì nhóm nghiên cứu quan sát được dường như là hàng loạt “núi băng” đứt gãy, bị một vết sẹo hình tròn, rộng chừng 2km bao bọc bên ngoài. Xung quanh đó là một vài vết sẹo hình tròn nhỏ hơn trên băng.
Các chuyên gia sau đó phát hiện 2 nghiên cứu riêng rẽ thông báo rằng, một thiên thạch đã rơi xuống khu vực vào năm 2004. Trong đó, một nghiên cứu ghi nhận việc phát hiện hàng loạt âm thanh có tần số thấp, dưới ngưỡng con người nghe thấy (20 Hz) vào ngày 2/9/2004. 6 máy dò khắp thế giới đã khám phá ra thứ âm thanh tần số thấp này từ một thiên thạch phát nổ, cho phép các nhà khoa học chỉ ra vị trí của nó đâu đó phía trên vùng Đông Nam cực.
Hình chụp từ trên máy bay vòng tròn bí ẩn trên băng ở Đông Nam cực. (Ảnh: Daily Mail)
Trong một nghiên cứu riêng rẽ, các nhà khoa học tại trạm Davis, căn cứ thường trực của Australia ngoài khơi bờ biển Đông Nam cực thông báo đã nhìn thấy một vệt bụi ở cao trong bầu khí quyển quanh thời điểm trên. Họ phỏng đoán, vật thể đang rơi xuống sẽ hạ cánh xuống thềm băng.
Các phát hiện trên ám chỉ, một thiên thạch có kích cỡ bằng một ngôi nhà với chiều rộng khoảng 7 – 10 mét và nặng tầm 600 – 1.000 tấn, đã vỡ vụn trong bầu khí quyển phía trên Nam cực. Khi phát nổ trên bầu trời, thiên thạch đang di chuyển với vận tốc 46.800km/h và tạo ra sức công phá tương đương 12.000 tấn thuốc nổ TNT.
Các mảnh vụn do vụ nổ tạo ra sau đó đã rơi xuống Trái đất, đâm sầm xuống vùng băng ở Đông Nam cực. Các nhà nghiên cứu hiện đang cân nhắc khoan xuống lớp băng phía dưới hố va chạm để xem liệu họ có thể biết thêm điều gì về thủ phạm gây ra nó hay không.
Chuyên gia địa vật lý, tiến sĩ Graeme Eagles giải thích: “Nếu thiên thạch vỡ nát trước khi đâm xuống thềm băng, thì có lẽ một số mảnh vỡ của nó không đủ năng lượng xuyên qua thềm băng và có thể nằm bên trên nó. Chúng tôi có thể tìm thấy bằng chứng về một lớp bụi trên băng, quanh hố va chạm và dưới lớp tuyết tích tụ 10 năm qua. Tôi nghĩ, nó rất đáng để chúng tôi nghiên cứu”.