Giải thích hiện tượng sống lại quá khứ

Giải thích hiện tượng sống lại quá khứ

Không ít người trải nghiệm cảm giác lạ lùng như mình đang sống lại giây phút nào đó trong quá khứ. Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là Déjà vu.

Theo Science Daily, “Déjà vu” là cụm từ tiếng Pháp mang nghĩa “đã nhìn thấy”. Déjà vu là một cảm giác khó hiểu, bí ẩn về những sự kiện hay hình ảnh mà chúng ta cho rằng từng trải qua hay nhìn thấy trước đây. Ví dụ, một người bước chân vào ngôi nhà chưa bao giờ đặt chân đến, nhưng cảm thấy khung cảnh rất quen thuộc.

Một số người tin Déjà vu liên quan đến những trải nghiệm tâm linh hoặc đây là cái nhìn thoáng qua về cuộc sống trong kiếp trước. Khoảng 60-80% dân số thế giới từng trải qua cảm giác Déjà vu ít nhất một lần trong đời.

“Do những trải nghiệm về Déjà vu thường không rõ ràng, nên rất khó để nghiên cứu hiện tượng này trong phòng thí nghiệm”, Michelle Hook, tiến sĩ tại Trung tâm khoa học sức khỏe thuộc Đại học Texas A&M, Mỹ, cho biết.

Giải thích hiện tượng sống lại quá khứ
Khoảng 60 đến 80 phần trăm dân số thế giới từng trải qua cảm giác Déjà vu ít nhất một lần trong đời. (Ảnh: Sergey Nivens/Fotolia).

Hiện tượng Déjà vu có thể liên quan chặt chẽ đến cách bộ não ghi nhớ. Trí nhớ dài hạn và các sự kiện được lưu trữ trong thùy thái dương. Vùng não này có vai trò quan trọng giúp chúng ta nhận biết sự vật, hiện tượng quen thuộc.

Đặc trưng của bệnh động kinh là sự hoạt động bất thường của các tế bào thần kinh, làm gián đoạn xung điện của não, gây co giật.

“Báo cáo lâm sàng cho thấy, một số bệnh nhân động kinh thùy thái dương trải qua cảm giác Déjà vu, trước khi lên cơn co giật”, Hook cho biết.

Nhưng nguyên nhân khiến người khỏe mạnh bắt gặp Déjà vu là gì? Một số nhà nghiên cứu cho rằng hiện tượng này xảy ra khi bộ não gặp “trục trặc”, khiến chúng ta nhầm lẫn sự kiện ở hiện tại với quá khứ. Trên thực tế, các xung điện bất thường tương tự bệnh động kinh có thể xuất hiện ở người khỏe mạnh. Ví dụ, hiện tượng hyponogogic jerk khiến cơ co giật ngoài ý muốn trong lúc ngủ.

Não chỉ cần một lượng nhỏ thông tin giác quan, chẳng hạn mùi quen thuộc, để hồi tưởng lại chi tiết về những sự kiện liên quan đến nó. Khi trải qua cảm giác Déjà vu, quá trình dẫn truyền thông tin giác quan tới hệ thống ghi nhớ của não vượt qua trí nhớ ngắn hạn, đạt đến trí nhớ dài hạn, tạo ra cảm giác từng trải qua trước đây.

Theo Hook, chúng ta vẫn còn nhiều thứ phải tìm hiểu về Déjà vu và cơ chế hoạt động của nó.

“Không có câu trả lời đơn giản cho cơ chế hoạt động của Déjà vu. Nhưng với những nghiên cứu sâu hơn trong tương lai, bí ẩn của hiện tượng này sẽ được khám phá”, Hook nói.

 

Theo VnExpress