Giảm đau hiệu quả mà không cần dùng thuốc

Ảnh: internet

Dưới đây là những loại thực phẩm có khả năng làm giảm đau mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy từ trong nhà bếp của mình.

1.    Quả anh đào

Trong quả anh đào có chứa hợp chất anthocyanins – chất chống ôxy hóa mạnh có tác dụng chống sưng tấy, viêm khớp và giảm đau cơ rất hiệu quả. Các nhà khoa học đến từ khoa Nông nghiệp và Nguồn tài nguyên thuộc trường Đại học Michigan State (Mỹ) cho biết rằng, những người ăn một chén quả anh đào cho bữa ăn sáng có thể ngăn ngừa và giảm thiểu các chứng sưng viêm đến 25%. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu khoa học cũng còn cho biết những vận động viên uống nước ép từ quả anh đào khoảng 2 lần/ngày trong vòng 7 ngày trước khi tham gia cuộc chạy đua tiếp sức đã giảm được 23% nguy cơ bị đau cơ bắp so với những người không uống loại nước này.

2.    Gừng

Gừng có tác dụng làm giảm nồng độ Prostaglandin gây đau trong cơ thể và từ lâu loại gia vị đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới để điều trị chứng đau nữa đầu, sưng viêm, viêm khớp và đau cơ bắp. Ngoài ra, gừng còn có tác dụng làm giảm bớt say sóng và buồn nôn rất tốt. Bạn có thể sử dụng gừng trong các bữa ăn của mình, hoặc cho vài lát gừng tươi vào nước sôi để nguội rồi vắt lấy nước cốt để uống, hay pha nước gừng với chanh và mật ong…

3.    Thịt cá hồi
Nếu bạn đang bị một chứng đau mãn tính gây khó chịu, bạn nên thêm món cá hồi vào khẩu phần ăn của mình. Thịt cá hồi có chứa dồi dào axít béo omega-3 và vitamin D có thể giúp giảm đau lưng, cổ và viêm khớp một cách hiệu quả. Bạn nên tiêu thụ từ 2 – 4 khẩu phần cá hồi mỗi tuần. Nếu ngại ăn cá hồi, bạn có thể bổ sung axít béo omega-3 từ các viên dầu cá.

4.    Nghệ

Nghệ là một loại gia vị có tác dụng giúp tăng cường sức khỏe tổng quát cho cơ thể. Bên trong củ nghệ có chứa dồi dào chất curcumin (chất tạo nên sắc tố vàng sáng), chất chống ôxy hóa và chất chống viêm rất có ích trong việc bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra, chất curcumin trong củ nghệ còn được sử dụng để bào chế thuốc Ayurvedic ở Ấn Độ nhằm giúp điều trị các rối loạn ở dạ dày. Bạn nên dùng 1 muỗng canh bột nghệ tươi mỗi ngày để mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

5.    Sữa chua

Sữa chua có tác dụng kích thích, điều chỉnh quá trình tiêu hóa bằng các loại vi khuẩn có lợi cho cơ thể. Ngoài ra, sữa chua còn giàu chất calci giúp giảm đau, đầy hơi, cải thiện hệ thống tiêu hóa, làm hạn chế những tác động của axít trong hệ tiêu hóa, rất tốt cho răng miệng vì làm giảm lượng vi khuẩn và lượng hydro sunfur gây mùi trong miệng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng sữa chua, bạn nên lưu ý một số vấn đề như sau: Tốt nhất là dùng sữa chua sau khi đã ăn no và với lượng vừa đủ. Khi bạn đang uống thuốc điều trị bệnh thì nên dùng sữa chua cách hai giờ uống thuốc. Lý do vì thuốc có thể tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong sữa chua.

6.    Cà phê

Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Georgia (Mỹ) khám phá ra rằng uống cà phê mỗi ngày với lượng vừa phải có thể trị nhức đầu và giúp giảm những cơn đau cơ bắp sau khi luyện tập thể thao với cường độ cao. Thông thường, cơ bắp của chúng ta sẽ đau nhức 2 tới 3 ngày sau khi luyện tập căng thẳng. Lượng caffeine có trong 2 tách cà phê đủ để làm cơ bắp chống lại các cơn đau. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng khuyên nên để ý về tác dụng phụ của cà phê như gia tăng cảm giác lo lắng, làm tim đập nhanh, tăng huyết áp.

7.    Bạc hà

Bạc hà là một loại thảo dược được biết đến rộng rãi nhờ những lợi ích đặc biệt của nó đối với sức khoẻ của con người. Trong tinh dầu của lá bạc hà có chứa nhiều vitamin A, vitamin C, axít béo omega-3 và khoáng chất (gồm kali, sắt, man gan, magiê, canxi và đồng)…có tác dụng điều trị một số bệnh về đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn và đau bụng. Bên cạnh đó, lá bạc hà còn có tác dụng làm dịu cơn đau dạ dày trong trường hợp bị sưng viêm. Bạn có thể uống trà bạc hà hoặc ăn lá bạc hà để ngăn ngừa và điều trị bệnh tiêu hóa. Ngoài ra, hương bạc hà là liệu pháp trị nôn mửa và đau đầu rất hiệu quả. Mùi dầu bạc hà hoặc lá bạc hà tươi nghiền nát sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Khi xoa dầu bạc hà lên vùng thái dương, lên trán, lỗ tai, mũi… sẽ làm dịu bớt cơn đau đầu.

8.    Lạc, vừng

Lạc, vừng và cả hạt hướng dương là những thực phẩm giàu chất tryptophan. Trong các nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện thấy tryptophan có khả năng giảm được sự nhạy cảm của cơn đau khoảng 1 giờ sau khi đi vào cơ thể. Do vậy, bạn cần tăng cường ăn lạc, vừng để thay thế thuốc giảm đau mà không gây tác dụng phụ. Các thực phẩm khác giàu tryptophan là sữa, sữa đậu nành, đậu phụ, đậu lăng và gạo.

9.    Ớt
Ớt là gia vị có chứa nhiều capsaicin – thành phần giúp ớt có vị cay nóng. Nhờ nó mà ớt có thể giúp giảm được các cơn đau bằng cách kích thích sức đề kháng của một số tế bào thần kinh. Các nhà khoa học ở trường King’s College ở London cho biết, những người viêm khớp mà thường xuyên ăn ớt sẽ giảm được đáng kể các cơn đau nhức. Đó là lý do tại sao mà ngày nay nhiều hãng dược phẩm đã sử dụng capsaicin trong ớt để làm kem bôi da chống mụn và sưng đau.

10.    Cam

Bằng cách phân tích chế độ ăn của hơn 25.000 người, một nhóm nghiên cứu khoa học đến từ trường Đại học Manchester của Anh đã phát hiện thấy, những người tiêu thụ nhiều chất beta-cryptoxanthin (có trong quả cam) chắc chắn sẽ ít bị mắc bệnh viêm khớp và giảm được các cơn đau. Nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí dinh dưỡng lâm sàng Mỹ cho biết chỉ cần uống một tuần vài cốc nước cam ép cũng đủ tạo nên sự khác biệt. Họ khuyên rằng, những người bị đau trong người hoặc viêm khớp thì nên thường xuyên uống nước cam để tốt cho sức khỏe.

Nguồn: Theo phununews

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.