Quan chức cao cấp về biến đổi khí hậu của chính phủ Anh khẳng định rằng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ giảm nếu người dân bỏ bớt thịt cừu và bia trong bữa ăn hàng ngày.
“Thay đổi lối sống, trong đó bao gồm cả chế độ ăn uống, sẽ là một trong những nhân tố thiết yếu để cắt giảm lượng khí thải carbon. Chúng tôi không nói rằng mọi người dân chỉ nên ăn rau và ngừng uống bia, song việc giảm lượng thịt và đồ uống có cồn trong bữa ăn hàng ngày chẳng những giúp chúng ta cải thiện sức khỏe, mà còn làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính”, David Kennedy, người đứng đầu Ủy ban về biến đổi khí hậu trực thuộc chính phủ Anh, phát biểu.
Một nghiên cứu về các khí thải có hại do chính phủ Anh tài trợ cho thấy, để có 1 kg thịt, cừu phải giải phóng 16,6 kg khí CO2 vào khí quyển. Trong khi đó lượng CO2 dành cho 1 kg cà chua và khoai tây lần lượt là 9 kg và 0,45 kg.
Thịt cừu tạo ra nhiều CO2 vì cừu ợ ra rất nhiều khí metan, một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh nhất. Bò cũng giải phóng nhiều khí CO2 (16 kg cho 1 kg thịt). Nhiều nghiên cứu trước đây chứng minh rằng lượng khí metan mà 200 con bò thải ra trong một năm gây tác hại tương đương lượng khí CO2 mà một xe hơi thải ra sau khi chạy 160.000 km.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các loại đồ uống có cồn cũng đóng góp đáng kể vào hiệu ứng nhà kính. Quá trình trồng, xử lý hoa bia và mạch nha thành bia, rượu whisky tạo ra 15% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Anh.
Chính phủ Anh từng cam kết cắt giảm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay tới năm 2050. Hơn 1/3 lượng khí metan mà xứ sở sương mù thải vào khí quyển tới từ các trang trại chăn nuôi gia súc. Với cùng khối lượng hoặc thể tích, khí metan có khả năng giữ nhiệt gấp 20 lần so với CO2. Vì thế, nó là loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh nhất. Nhưng trong khí quyển, CO2 chiếm tỷ lệ lớn hơn rất nhiều so với metan.
Theo VnExpress (Telegraph)