Giáo sư Nguyễn Lân Dũng muốn biến cây hoang dại thành rau sạch đặc sản

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng muốn biến cây hoang dại thành rau sạch đặc sản

Các loại rau rừng không chỉ lạ miệng, vô hại, dinh dưỡng phong phú mà còn không có sâu nên không cần dùng thuốc trừ sâu.

Hằng năm, Việt Nam chi 774 triệu USD để nhập 100.000 tấn thuốc trừ sâu, gồm 4.100 loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc 1.643 hoạt chất, 90% nhập từ Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ cho phép sử dụng 630 loại thuốc bảo vệ thực vật. Việc các vụ ngộ độc xảy ra thường xuyên và thực phẩm bẩn chiếm tới 35% nguyên nhân gây ung thư là hậu quả dễ hiểu.

Để người dân không còn coi tự trồng rau là cách duy nhất để có rau sạch, Nhà nước nên khuyến khích tạo chuỗi sản xuất rau an toàn, các siêu thị lấy lại niềm tin bằng cách chỉ nhập rau thật sự an toàn.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng muốn biến cây hoang dại thành rau sạch đặc sản
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Tôi có sáng kiến xây dựng 2 cơ sở sản xuất rau an toàn, bao bì ghi: “Chịu trách nhiệm về việc không sử dụng thuốc trừ sâu hoá học và phân đạm hoá học”. Các cơ sở này làm nhà lưới cho nông dân trồng rau và in trên bao bì mã vạch riêng cho từng hộ. Nếu cơ quan chức năng phát hiện có thuốc trừ sâu hay phân đạm hoá học, hộ đó phải chia sẻ trách nhiệm với công ty.

Ngoài ra, theo tôi nên trồng phổ biến các cây hoang dại ăn được, biến thành rau đặc sản. Có lần tại Đắk Lắk tôi được ăn một loại rau lạ rất ngon, hỏi tên thì được biết người dân chỉ gọi nó là rau rừng và bắt đầu trồng để bán. Tôi đã đưa loại rau này ra trồng thí điểm tại Hà Nội.

Tôi có nhiều dịp qua Trung Quốc và thấy nhiều nhà hàng quảng cáo dùng rau hoang dại nhưng đã được gieo trồng rộng rãi. Nước này đã thống kê trên 400 loại cây rừng có thể ăn lá, hoa, quả. Các loại rau rừng không chỉ lạ miệng, vô hại, dinh dưỡng phong phú mà còn không có sâu nên không cần dùng thuốc trừ sâu.

Trung Quốc đã xuất bản nhiều sách miêu tả tỉ mỉ, có hình vẽ màu về hàng trăm loại rau hoang dại đang được sử dụng. Việt Nam cũng đã xuất bản cuốn “Tên cây rừng Việt Nam” (Nhà xuất bản Nông nghiệp 2000). Bộ sách 3 tập Cây cỏ Việt Nam của GS Phạm Hoàng Hộ (Nhà xuất bản Trẻ 1999-2000) cũng miêu tả đặc tính sinh học của nhiều loài cây hoang dại.

Làm sao triển khai rộng rãi việc trồng cây rau rừng ăn được để cung cấp thường xuyên cho nhân dân, quá trình trồng trọt không cần dùng thuốc trừ sâu độc hại? Theo tôi, vấn đề quan trọng này xứng đáng để có một đề tài cấp nhà nước. Các nhà thực vật học cũng nên in sách có ảnh màu và các hướng dẫn trồng trọt, thu hoạch, bảo quản rau rừng.

 

Theo khoahocphattrien