Không khỏi giật mình khi gần đây, Bộ KH-CN đề nghị các bộ ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn doanh nghiệp Việt hoạt động trên địa bàn mình khi ký hợp đồng, mua sắm thiết bị cần tìm hiểu kỹ để tránh nhập khẩu nhầm các dây chuyền, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường từ chính 2.255 doanh nghiệp (DN) mà Trung Quốc đã thông báo loại bỏ.
Đây không phải là lần đầu tiên, những con số gây sốc này được công bố. Nhìn lại số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập thiết bị máy móc phụ tùng từ thị trường Trung Quốc mấy năm gần đây liên tục tăng.
Rác công nghệ.
Nửa đầu năm 2011, kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này tăng vọt lên gần 1,6 tỷ USD so với hơn 1 tỷ USD nửa đầu năm 2010. Trong đó, chiếm số lượng lớn là máy móc thiết bị trong ngành dệt may, da giày, các loại máy đóng gói, thiết bị điện, máy công cụ… Theo báo cáo phân tích kim ngạch xuất khẩu, nhập siêu thì có tới 75% DN trong nước nhập máy móc thiết bị xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo một báo cáo của Cục Cảnh sát Môi trường, hàng năm có tới hàng triệu tấn hàng nhập khẩu vào Việt Nam, qua các cảng biển, cửa khẩu biên giới phía Bắc và Tây Nam, trong số đó, khá nhiều các mặt hàng là máy móc thiết bị lạc hậu cũ hỏng hoặc có chứa chất nguy hại vượt nhiều lần tiêu chuẩn Việt Nam cho phép.
Người ta vẫn nhắc đến việc bài học đắng từ việc nhập khẩu công nghệ của ngành xi măng. Vào thập niên 1990, phong trào đầu tư phát triển công nghệ xi măng lò đứng diễn ra ồ ạt. Chỉ trong 7-8 năm, các địa phương đã ồ ạt nhập về hơn 50 dây chuyền sản xuất xi măng công nghệ lò đứng của Trung Quốc, để rồi chẳng bao lâu sau, đến năm 2004, nhiều nhà máy bị Chính phủ yêu cầu phải khai tử vì công nghệ lạc hậu, lãng phí năng lượng, gây ô nhiễm môi trường và quan trọng hơn là không có hiệu quả kinh tế.
Tái chế rác công nghệ.
Hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý tổng thể về quy định thẩm định công nghệ cho các dự án đầu tư đã tương đối đầy đủ như Luật sở hữu trí tuệ, Luật chuyển giao công nghệ, Luật công nghệ cao… Theo đó, một dự án đầu tư trước khi được cấp phép bắt buộc phải thông qua khâu thẩm định công nghệ. Việc thẩm định này sẽ do Sở KH-CN chủ trì. Đối với những dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao thì sẽ thông qua một hội đồng khoa học để xác định có phải công nghệ cao hay không.
Tuy nhiên, có một thực tế là nếu các dự án không thuộc những lĩnh vực “nhạy cảm” thì không bắt buộc thẩm định công nghệ.
Chính vì vậy, cần có quy định chi tiết, đầy đủ hơn nữa đối với các dự án đầu tư mức độ nào, vốn bao nhiêu, hoạt động trong lĩnh vực gì… sẽ phải thẩm định công nghệ. Nếu quy định này càng chi tiết thì càng giúp đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư có cơ sở chặn cửa tốt hơn với luồng rác công nghệ đang ồ ạt nhập vào Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng phải nâng chế tài xử phạt đối với hành vi cố tình nhập công nghệ cũ.
Theo Đất Việt