Giấy vệ sinh đe dọa rừng

Mỗi ngày con người chặt khoảng 270.000 cây trên toàn thế giới và 10% trong số đó trở thành nguyên liệu để sản xuất giấy vệ sinh. 

National Geographic cho biết, đó là thống kê mà tạp chí World Watch đưa ra trong một bài viết mới đây. Bài viết cho rằng sự bùng nổ dân số, tình trạng du nhập lối sống phương Tây, sự cải thiện điều kiện vệ sinh ở các nước đang phát triển khiến nhu cầu sử dụng giấy vệ sinh cao cấp tăng mạnh.

“Hậu quả là những khu rừng ở cả bán cầu bắc và bán cầu nam đang bị các công ty giấy đốn ngã để phục vụ nhu cầu sử dụng giấy vệ sinh của người dân”, World Watch nhận xét.

Noelle Robbins, tác giả của bài viết, nói nhu cầu đối với giấy vệ sinh tại các nước đang phát triển tăng dần theo thời gian. Đó là một trong những nhân tố khiến ngày càng có nhiều cây bị đốn. Do nhiều nước cấm khai thác rừng lâu năm, các công ty giấy chuyển hướng sang những rừng trồng. Họ khẳng định rừng trồng là giải pháp tuyệt vời để phục vụ nhu cầu sử dụng giấy vệ sinh mà không tác động tới môi trường.

Song Robbins cho rằng thực tế không phải vậy. Mỗi khi trồng rừng nhân tạo, trong nhiều trường hợp người ta thường chặt rừng tự nhiên để lấy đất khiến động vật mất chỗ ở. Những khu rừng nhân tạo thường chỉ có một hoặc vài loại cây nên động vật và thực vật bản địa không thể sống ở đó. Những người quản lý rừng nhân tạo luôn sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ để bảo vệ cây – một hành vi gây ô nhiễm môi trường. Khác với rừng tự nhiên, rừng nhân tạo đòi hỏi một lượng nước khá lớn.

Một số công ty giấy không chặt phá rừng mà lấy nguyên liệu từ rác thải. Giải pháp này được nhiều nước ủng hộ. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy giấy chiếm từ 35 tới 40% tổng lượng rác mà người dân thải ra hàng ngày. Lượng nước mà người ta sử dụng trong quá trình tái chế giấy ở bãi rác thành giấy vệ sinh thấp hơn nhiều so với quá trình biến cây thành giấy vệ sinh. Việc tái sử dụng giấy cũng làm giảm số cây bị đốn mỗi ngày.

“Giấy vệ sinh, dù được sản xuất từ gỗ hay giấy thải, sẽ tiếp tục là thứ quan trọng trong cuộc sống của các nước phương Tây và cả những quốc gia đang phát triển. Tuyên truyền, cải tiến chất lượng sản phẩm, giảm giá, tiếp thị giấy vệ sinh tái chế là một trong những cách để giảm tình trạng chặt cây. Ngoài ra chúng ta cũng nên quan tâm tới những giải pháp thay thế giấy vệ sinh”, Robbins nhận định.

 

Theo VnExpress