Gió mùa châu Á: nguyên nhân phát tán các chất ô nhiễm

Sự phát triển kinh tế của châu Á trong những năm qua đồng nghĩa với tình trạng ô nhiễm gia tăng.

Theo một nghiên cứu mới, trong thời kỳ gió mùa châu Á các chất ô nhiễm phát tán mạnh nhất lên cả tầng cao khí quyển khiến chúng càng tồn tại lâu dài hơn trong không khí và lan ra toàn cầu.

Gió mùa là phương tiện chuyên chở các chất ô nhiễm lên tầng bình lưu – Ảnh: Blogspot.com

Phát hiện này được trình bày chi tiết trên Tạp chí Science số mới đây, đã cho thấy tác động của các chất ô nhiễm từ châu Á lên tầng bình lưu sẽ tăng mạnh trong những thập kỷ tới do các hoạt động công nghiệp tăng trưởng mạnh ở Trung Quốc và các nước đang phát triển khác.

William Randel, thuộc Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia (National Center for Atmospheric Research, viết tắt NCAR), và các đồng nghiệp đã cho rằng gió mùa châu Á có thể tạo thành các phễu khí ở lớp khí quyển thấp hơn, gọi là tầng đối lưu mà đuôi phễu hướng lên trên.

Dựa trên các số liệu đo bằng vệ tinh, có thể giải thích hiện tượng mức ozon, hơi nước và các hoá chất khác ở tầng bình lưu luôn tăng cao một cách bất thường vào mùa hè trên bầu trời châu Á (Gió mùa là sự chuyển mùa của gió, có khuynh hướng mưa nhiều và thời tiết khó chịu).

Nhóm nghiên cứu đã dùng một hoá chất là hydro xyanua – thường sinh ra do các thực vật bị đốt cháy – như chất đánh dấu để theo dõi chuyển động của những khối không khí ở Bắc bán cầu trong những tháng hè. Nhóm cũng khảo sát các số liệu về hydro xyanua do vệ tinh đo được ở cả các tầng khí quyển ở phía trên vùng có gió mùa. Các quan sát cho thấy hydro xyanua tồn tại trong khí quyển nhiều năm trước khi bị phân huỷ thành các hoá chất khác. Nó di chuyển phía trên các vùng nhiệt đới cùng với các chất ô nhiễm khác, kể cả những chất gây mưa axit và phá huỷ tầng ozon, sau đó loang ra toàn cầu.

Các nhà khoa học còn dùng máy tính để mô phỏng chuyển động của hydro xyanua và nhiều chất gây ô nhiễm như muội than, đioxit lưu huỳnh và các oxit nitơ từ các nguồn khác nhau, chủ yếu là nguồn công nghiệp. Mô hình trên máy tính đã chỉ ra các chất ô nhiễm phát tán tại nhiều vùng rộng lớn ở châu Á, từ Ấn Độ đến Trung Quốc và Indonexia, nhờ gió mùa đã chuyển lên các tầng cao của khí quyển.

Khi đã lên tới tầng bình lưu, các chất ô nhiễm đã “chu du” khắp thế giới trong nhiều năm, một số lại lắng đọng ở tầng thấp hơn, một số phân huỷ.

Randel, người chủ trì nghiên cứu cho biết: “Gió mùa là một trong những hệ thống gây ra sự luân chuyển mạnh nhất trên hành tinh, lại xuất phát từ các nước ô nhiễm nặng nề tại châu Á. Chính gió mùa là phương tiện chuyên chở các chất ô nhiễm lên tầng bình lưu”.

Nguồn: LiveScience

 

Theo VietNamNet