Giới khoa học gia lo âu khi năm 2006 là năm nóng kỷ lục tại Mỹ

0
146
Giới khoa học gia lo âu khi năm 2006 là năm nóng kỷ lục tại Mỹ

Với tựa đề trên, hôm 10/1 nhà báo Marc Kaufman đã viết trên tờ Washington Post: “Năm vừa qua là năm nóng nhất ở Mỹ trong vòng 112 năm qua. Nó vượt qua giới hạn 9 năm nóng nhất và là “kỷ lục” chưa từng có trong lịch sử”.

Giới khoa học gia lo âu khi năm 2006 là năm nóng kỷ lục tại Mỹ

Băng tan ở Greenland, gần Bắc cực. (Ảnh WP)

Theo Trung tâm Dữ liệu Khí hậu Mỹ, kỷ lục này là nguyên nhân làm cho hoa thủy tiên, hoa anh đào bung nở khắp nơi ở miền Đông nước Mỹ trong dịp đầu năm mới 2007 và đây cũng là hậu quả của sự tích tụ lâu dài khí dioxid carbon trong khí quyển.

“Người dân cần quan tâm đến những gì chúng tôi đang làm đối với khí hậu” – Jay Lawrimore, giám đốc chi nhánh kiểm tra khí hậu của NOAA (Cơ quan Khí quyển và Đại dương Hoa kỳ) nói.

“Sự đốt cháy nhiên liệu hóa thạch (như than đá) là nguyên nhân gia tăng hiệu ứng nhà kính và giới khoa học rộng rãi cũng nhất trí đó là kết quả của sự biến đổi khí hậu hiện nay”.

Theo NOAA, đây là chỉ dấu cho xu hướng nhiệt độ toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng. Họ nêu ra con số: năm 2006 nhiệt độ trung bình phổ biến ở Mỹ cao hơn 2,2 độ F so với thế kỷ 20. Báo cáo năm 2006 có 7 tháng nhiệt độ cao hơn giới hạn trung bình và tháng cuối cùng là tháng nóng nhất, trên kỷ lục. Nhiệt độ của tất cả 48 bang kề nhau ở Mỹ đều trên trung bình và New Jersey là nơi nóng nhất từ trước tới nay.

Nhiều nhà nghiên cứu lưu tâm đến hiện tượng băng tan ở địa cực, kết quả là mực nước biển dâng cao hơn, bão và hạn hán khốc liệt hơn. Nhưng NOAA cũng chỉ ra trong rủi có may: nhờ trái đất ấm hơn nên từ tháng 10 đến 12/2006, người Mỹ tiết kiệm được 13,5% năng lượng. NOAA còn nói El Nino vùng xích đạo Thái Bình Dương cũng góp phần ngăn chặn khối không khí lạnh trên Đại Tây Dương thổi ngang qua miền nam và miền đông nuớc Mỹ.

Giới khoa học gia lo âu khi năm 2006 là năm nóng kỷ lục tại Mỹ
Tháng 3 đến tháng 4, hoa Jet Trail mới nở nhưng giờ đây chúng đã nở
bung tại miền Đông nước Mỹ (Ảnh WP)

“Không ai ngạc nhiên khi 2006 là năm nóng nhất tại Mỹ”. Brenda Ekwurzel, nhà khoa học khí hậu thuộc Liên hiệp Hữu nghị Khoa học gia nói. “Đây là năm duy nhất kể từ 1993 nằm trong top 20 năm nóng kỷ lục. Chúng ta cần phải bắt đầu chống lại sự hun nóng toàn cầu trong vòng 10 năm tới nếu muốn rằng có một môi trường sống an toàn cho con cháu chúng ta”.

Lawrimore thì nói những nghiên cứu khác của NOAA chỉ ra rằng đây là thời điểm nhiệt độ gia tăng với tốc độ cực nhanh trong 30 năm qua kể từ 1895, năm Mỹ bắt đầu thu thập dữ liệu về nhiệt độ. Theo đó, trên trái dất, 2005 là năm nóng kỷ lục nhất và 2006 sẽ lạnh không đáng kể. Ông ta nói mặc dù các nhà khoa học nhất trí khí dioxid carbon thải ra từ năng lượng xe hơi, năng lượng thực vật và từ các nhà máy nhưng họ chưa thống nhất tốc độ hun nóng toàn cầu sẽ gia tăng nhanh hay chậm trong tương lai.

Giới khoa học gia lo âu khi năm 2006 là năm nóng kỷ lục tại Mỹ
Chuyện lạ: anh em nhà Jon nấu nướng dưới ánh nắng mặt trời mùa đông (Ảnh WP)

Một vài nghiên cứu tiên báo nhiệt độ phổ biến trên toàn cầu sẽ gia tăng khốc liệt từ 7 đến 8 độ F trên mức trung bình vào cuối thế kỷ 21 trong khi vài công trình nghiên cứu khác cho rằng mức gia tăng sẽ khiêm tốn ở 2 độ F vào cùng thời gian. Việc gia tăng sử dụng năng lượng từ dầu mỏ và than đá liên quan đến khí thải dioxid carbon đã, đang và sẽ đun nóng tầng bảo vệ trái đất mà theo các báo cáo khoa học, trong vòng 650.000 năm qua chưa bao giờ có nhiều khí dioxid carbon trong tầng khí quyển như bây giờ!

Tuy nhiên, chính phủ Bush đã làm ngơ trước những đề xuất giảm thiểu, chặn đứng các hoạt động thải khí dioxid carbon lên trời hoặc đánh thuế việc sử dụng chúng như một cách giới hạn hiện tượng hun nóng toàn cầu. Hậu quả nhãn tiền là, vài thành phố đông bắc nước Mỹ đã nóng lên bất thường như Boston cao hơn 8 độ F và Minneapolis-St. Paul 17 độ F trên mức trung bình trong 3 tuần cuối của tháng 12/2006.

Đặng Ngọc Khoa (Washington Post 10/1/07)

 

Theo Thanh niên