Giữ gìn cân bằng sinh thái trong đất

Đất là nguồn bệnh rất lớn cho các loại bệnh cây rau quả và hồ tiêu. Do đó bệnh trên cây ăn trái và hồ tiêu được gọi là “nguồn bệnh có từ đất“.

Đặc điểm chung của quần thể VSV trong đất:

Phần lớn VSV (vi sinh vật) sống trong đất là những sinh vật có ích sống theo kiểu hoại sinh, chỉ một số rất ít là có hại, gây bệnh cho cây trồng sống theo kiểu vừa ký sinh (gây bệnh cho thực vật) vừa hoại sinh (sống trong đất). Số lượng quần thể VSV có ích trong đất chiếm ưu thế hơn rất nhiều lần so với VSV gây bệnh hại.

– Phần lớn các VSV có ích tham gia vào quá trình phân giải xác thực vật thành thức ăn có nguồn gốc hữu cơ cho cây trồng và VSV khác, chúng có vai trò rất quan trọng trong quá trình khoáng hóa và cố định đạm, phân giải lân dễ tiêu cho cây trồng, VSV còn tạo ra rất nhiều loại enzym, acid amin, vitamin, kháng sinh…là thức ăn và vũ khí tự vệ quan trọng cho cây trồng. Ngoài ra khi các VSV đất chết đi sẽ để lại một lượng thức ăn khổng lồ và có chất lượng rất tốt cho cây trồng…

– VSV có ích giữ vai trò quan trọng cải tạo đất, làm cho đất tăng độ mùn, có cấu tượng, tơi xốp, háo khí, có độ pH trung tính, làm cho khả năng giữ nước, giữ phân của đất được tăng cường… Nhờ có hoạt động của VSV làm cho đời sống của đất được tăng lên.

– VSV có ích đã giúp cho cây trồng hấp thụ dinh dưỡng được tốt hơn.

– VSV đã góp phần bảo vệ cây trồng, làm giảm tác hại của ký sinh gây bệnh cây.

– Trong tập đoàn VSV có ích có một số lượng rất lớn VSV đối kháng ngăn chặn sự phát triển các VSV gây bệnh hại cho cây trồng rất hữu hiệu…

Điều kiện phát triển của VSV có ích và ký sinh gây bệnh trong đất:

Điều kiện sống của VSV có ích và ký sinh gây bệnh trong đất là rất khác nhau, đến mức trái ngược nhau.

– VSV có ích và VSV đối kháng phát triển mạnh trong điều kiện đất giàu mùn, không có những độc tố như các dư lượng hóa chất BVTV trong đất, có pH trung tính, đất có cấu tượng, háo khí, không úng nước. Như vậy điều kiện sống của VSV có ích và VSV đối kháng rất phù hợp với yêu cầu sinh sống của cây trồng.

– Ngược lại VSV có hại gây bệnh thì lại thích phát triển trong điều kiện đất chua , úng, yếm khí nghèo mùn, đất có nhiều dư lượng chất độc hại BVTV không làm ảnh hưởng đến đời sống của VSV gây bệnh…

Từ những đặc điểm đó của VSV có ích và có hại, chúng ta phải hết sức thận trọng trong mọi tác động vào đất và cây trồng như canh tác, bón phân, sử dụng các phương tiện BVTV…

Con người đã tác động vào đời sống của VSV và đất như thế nào?

– Tập quán canh tác làm đất, cày bừa và lấy hết xác cây trồng ra khỏi ruộng hằng năm đã làm cho đất bị rửa trôi, thoái hóa, đất ngày một nghèo dinh dưỡng, không phù hợp cho đời sống của VSV có ích.

– Mặt trái của phân hóa học, nhất là sản phẩm phân đạm từ công nghiệp hóa dầu đã giết chết quá nhiều VSV có ích trong đất. Hơn thế nữa, phân hóa học chẳng những không góp phần bồi bổ mà còn giết chết VSV và bóc lột hết các chất hữu cơ trong đất.

– Trong thời gian dài hiệu quả của thuốc hóa học là rất to lớn, chúng giết sâu bệnh hại và trong chừng mực nhất định chúng bảo vệ cây trồng cho năng suất. Tuy nhiên thuốc hóa học lại cũng giết VSV có ích trong đất nhiều hơn VSV có hại, nhất là các biện pháp xông hơi hoặc tưới thuốc hóa học vào gốc cây bệnh để giết tuyến trùng, nấm và sâu hại…

 

Theo Báo Nông nghiệp, Khoa học KT nông nghiệp