Do chưa tìm được nguyên nhân gây ra hội chứng tự kỷ, nên chương trình can thiệp cho trẻ hiện nay chủ yếu là bám sát vào các vấn đề mà trẻ gặp phải. Vì vậy, việc tìm hiểu và kết hợp nhiều phương pháp là điều rất cần thiết đối với phụ huynh và giáo viên trị liệu.
Dưới đây là gợi ý một số phương pháp mà các mẹ có thể áp dụng để giúp trẻ tự kỷ có được sự phát triển tốt nhất.
Phương pháp can thiệp phát triển quan hệ xã hội (RDI)
Đây là cách tiếp cận chú trọng vào việc giúp trẻ điều chỉnh, sửa chữa những khiếm khuyết căn bản về mặt giao tiếp năng động và tương tác xã hội. RDI dạy trẻ cách tư duy năng động, từ đó có thể tự học, nắm bắt được cảm xúc và ngôn ngữ cơ thể của người khác để có thể tự lập trong tương lai. RDI là một phương pháp đặt sự tôn trọng và hiểu trẻ lên hàng đầu. Có thể áp dụng đối với các trẻ nặng hay nhẹ, trẻ nhỏ hay đã lớn. Đặc biệt, RDI còn là một phương pháp giúp cha mẹ biết cách giao tiếp và có thể trực tiếp can thiệp cho con mình.
Phương pháp MNRI
Phương pháp MNRIlà phương pháp tác động lên hệ thần kinh qua các bài tập phản xạ thần kinh. Được sử dụng rất nhiều đối với những người có vấn đề về vận động, thần kinh, sang chấn tâm lý. Trẻ tự kỷ thường không có hoặc có nhưng sai những phản xạ không điều kiện, ví dụ: trẻ bình thường ngã chống tay, trẻ tự kỷ ngã không chống tay. Những phản xạ không điều kiện thường sẽ mất đi khi đến 2 tuổi thay vào đó là các phản xạ tích hợp, tuy nhiên đối với trẻ tự kỷ nó vẫn tồn tại.
Các bài tập mẫu phản xạ cơ bản:
– Vận động ban đầu: Hai tay giơ cao, chân phải bước sang, hít vào và đứng yên trong 7 giây (đây là khoảng thời gian tối thiểu để não tiếp nhận thông tin), thở ra 2 tay đưa xuống ôm ngực, hít vào giữ nguyên 2 tay. Thở ra, chân phải co lên để sát chân trái đồng thời cúi người xuống cuộn tròn lưng (đầu cúi xuống). Đây là bài tập giúp tư thế cơ thể thoải mái, thư giãn, giảm căng thẳng.
– Bài tập nắm mở với các ngón tay.
– Vận động trái phải: bơi, đi xe đạp, tay chân tập bắt chéo.
– Bài tập áp lực sâu (giảm căng thẳng), ngày làm 3-4 lần. Từ từ tạo áp lực vào tay và chân trẻ, giữ trong 7 giây, chú ý không được dùng đầu ngón tay bấu vào trẻ.
Phương pháp giao tiếp trao đổi hình ảnh (PECS)
Đây là một công cụ tốt giúp trẻ giao tiếp không lời. PECS là phương pháp giúp trẻ giao tiếp, thể hiện nhu cầu của mình qua hình ảnh. Khi trẻ có thể giao tiếp và thể hiện nhu cầu của mình, các bé sẽ giảm hành vi tiêu cực và trở nên vui vẻ hơn.
PECS có thể được dùng theo nhiều cách khác nhau. Điển hình PECS là các bức tranh về đồ vật (thức ăn, đồ chơi, vật dụng, hoạt động..). Khi trẻ muốn một trong những thứ đó, trẻ đưa tranh cho đối tượng giao tiếp như bố, mẹ, nhà trị liệu, những người mà trẻ hướng tới. Đối tượng giao tiếp sau khi nhận được ảnh đó sẽ đưa cho trẻ đồ có trong hình ảnh để củng cố việc giao tiếp. Cuối cùng, các bức ảnh có thể được thay thế bằng các từ và câu ngắn.
Việc sử dụng PECS là một quá trình kéo dài và phức tạp, đòi hỏi người hướng dẫn phải kiên trì. Đối với những trẻ không có ngôn ngữ lời nói thì PECS sẽ là phương tiện giao tiếp hữu ích.
Ví dụ: Trong khi đi chơi công viên, trẻ muốn đi vệ sinh ta cầm tay trẻ chỉ vào hình có biểu tượng ‘vệ sinh’ và nói ‘vệ sinh’ rồi dẫn con đi vệ sinh. Nhiều lần như vậy trẻ sẽ hình thành thói quen đưa ảnh đi vệ sinh mỗi khi có nhu cầu.
Vận động thô
Vận động thôlà một phương pháp giúp nâng cao thể lực, củng cố hành vi tích cực và giảm thiểu những hành vi tiêu cực, đồng thời nâng cao khả năng chú ý để trẻ có thể học tập. Thường xuyên cho trẻ luyện tập các hoạt động như đi bộ nhanh, chạy, đi xe đạp, bơi, trườn, bò, nhảy lò cò, nhún bóng, bê vật nặng, làm việc nhà…. Tất cả những hoạt động này sẽ giúp trẻ có nhận thức hơn về khả năng sử dụng tay chân, cơ thể mình trong các hoạt động khác nhau. Cũng qua các hoạt động này, trẻ có thể học bắt chước, chơi cùng bạn bè và có sự tương tác qua lại.
Ngọc Trang
Xem thêm:
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ tự kỷ: Nên và không nên ăn gì?
Những suy nghĩ sai lầm về hội chứng tự kỷ cần thay đổi ngay
Những suy nghĩ sai lầm về hội chứng tự kỷ cần thay đổi ngay
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.