Hà ly là động vật gặm nhấm lớn nhất. Nó ăn vỏ cây, gỗ mềm và lá cây. Nó có bộ da lông sáng bóng rất rậm, móng như chiếc xẻng giỏi đào hang, biết xây đập. Đuôi của nó bẹt rộng không có lông nhưng có vảy. Hà ly sống ở bờ nước, rất giỏi bơi lội.
(Ảnh: agr.unideb) |
Hà ly là một công trình sư có kinh nghiệm. Nó có thể đào một đường hầm dốc nghiêng xuống sông, ở trên bờ những con sống lớn có mực nước thay đổi không rõ rệt, và một nhà hầm rộng khoảng 1m, cao 0,5m. Mỗi nhà có khoảng 2 hoặc nhiều đường hầm ra vào, miệng đường hầm đều ở dưới nước. Phần trên cao của nhà hầm là nơi nằm nghỉ của hà ly, chỗ giáp với nước là “buồng ăn”, để tiện dọn vệ sinh và cũng để tiện bài tiết.
Nếu nước lên, hà ly sẽ đào trần hầm cao lên, lấy đất tôn cao nền nhà. Nếu cảm thấy phần trần quá mỏng, nó sẽ gia cố bằng cách đắp đất hoặc gài những cành cây nhỏ. Nếu nước vẫn tiếp tục lên, nó sẽ làm một ngôi nhà gỗ nổi để ở, chung quanh là nước. Hà ly có thể xây thành một hòn đảo nhỏ bằng cành cây, vỏ cây nổi lên mặt nước tới 2-3m. Nhà nổi cũng có lối ra lối vào. Lối vào đều ở dưới nước. Hà ly còn cẩn thận lấy bùn đất chét vào khe vách, nhưng nó không bao giờ quên thông gió cho ngôi nhà.
Hà ly còn là “công trình sư thủy lợi” biết đắp đập ngăn nước và điều tiết mực nước. Chúng lao động tập thể, đẵn gỗ bằng răng, lấy chi trước chuyển gỗ xuống sông đẩy lên vị trí đã định, sau đó cắt thành các đoạn gỗ đóng xuống đáy sông theo chiều thẳng đứng để làm cọc, rồi lấy cành to đè ở trên và lấy chạc chống ở phía dưới dòng chảy. Nếu đập làm rất rộng, lại lấy đá về gia cố. Chúng lấy lau sậy, cỏ và những cành nhỏ cùng đất chèn vào các khe hở, khiến cho đập không bị rò rỉ. Giữa đỉnh đập bao giờ hà ly cũng đắp cao hơn 2 bên, thật là một công trình tuyệt diệu. Đập xây xong sẽ làm cho nước ở phía trên dòng chảy tĩnh lặng hơn, giống như một cái hồ, độ sâu đủ cho hà ly bơi lội ở đó, và trở thành nơi ở của chúng.
(Ảnh: nature)
Theo H.T (Thế giới động vật)