Hà Nội: Lại xuất hiện mưa đá

0
116

Khoảng 22h30 tối qua (14.2), tại các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân và huyện Từ Liêm đã xuất hiện mưa đá trong vòng khoảng 15 phút. Tuy nhiên, rất ít người dân nhận biết có mưa đá bởi ngay trước đó xuất hiện một trận mưa rào và kích thước các viên đá không lớn.

Nhận định về cơn mưa đá này, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương Nguyễn Lan Châu cho biết: Nguyên nhân là do miền Bắc có một đợt không khí lạnh tăng cường. Vì mưa đá xảy ra cục bộ tại khu vực nên sáng nay vẫn chưa thấy trạm quan trắc nào ở Hà Nội ghi nhận được, tại trạm Láng chỉ đo được lượng mưa tối qua là 2 mm. Song, đây là hiện tượng bất thường của thời tiết năm nay, bởi hiện tượng mưa đá rất hiếm khi xảy ra trong thời điểm này (thường chỉ xuất hiện vào lúc giao mùa từ nóng sang lạnh tháng 10-11, hoặc ngược lại tháng 4-5).

Mưa đá rơi đầy sân nhà dân khu vực Trung Hoà – Nhân Chính ngày 20.11.2006. (Ảnh H.A)

Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là diễn biến thời tiết rất bất thường và hiện tượng này nhiều khả năng còn có thể xảy ra trong thời gian tới. Tiến sĩ Nguyễn Duy Chinh, Viện phó Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường cho biết: Hiện mưa đá rất ít có khả năng xuất hiện ở Bắc Bộ trong khoảng thời gian còn lại của năm 2006.

Tuy nhiên đến tháng 3, tháng 4 và thậm chí ngay cả trong tháng 2 của năm 2007, hiện tượng mưa đá có thể xuất hiện ở vùng núi phía Bắc. Ngoài ra, trong thời gian tới cần đề phòng hiện tượng mưa đá có thể xuất hiện ở vùng ven biển và giáp ranh với khu vực núi của Trung Bộ.

Tiến sĩ Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương nhận xét: Đây là các hiện tượng thời tiết quy mô nhỏ, rất nguy hiểm, rất khó dự báo nhưng lại xảy ra trên diện rộng ở nhiều tỉnh, thành phố. Theo số liệu quan trắc trong 50 năm qua cho thấy ở Hà Nội mới có 5-6 trận mưa đá xảy ra, thời kỳ từ tháng 11 đến tháng 2 chưa quan trắc được mưa đá ở Hà Nội, ngoại trừ trận mưa đá vào ngày 20.11.2006.

Ở nước ta các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như trên xuất hiện và gây hại không phải là hiếm, nhưng chưa bao giờ giông, lốc xoáy và mưa đá lại xảy ra trên diện rộng và gây tác hại lớn đến như hiện nay. Ngoài ra, hiện tượng mưa đá thường hay xuất hiện vào nửa cuối mùa đông, thời kỳ chuyển tiếp từ mùa lạnh sang mùa nóng hơn là từ mùa nóng sang mùa lạnh, chứ không xuất hiện vào đầu mùa xuân.

Các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường nhận định: Nguyên nhân của hiện tượng thời tiết bất thường trên là do có sự kết hợp rất đồng pha của 3 hiện tượng: mặt đệm nóng do nắng và tương đối nóng kéo dài, hội tụ dòng chảy xiết trên cao và không khí lạnh tăng cường ở tầng thấp của khí quyển.

Ba hiện tượng đó xuất hiện đồng thời làm khí quyển trở nên bất ổn định, thuận lợi cho các chuyển động đối lưu sâu sinh ra giông, lốc xoáy và mưa đá. Bên cạnh đó, mặc dù chưa thể giải thích được cơ chế vật lý một cách rõ ràng sự quan hệ giữa El Nino với hiện tượng nắng nóng kéo dài trong thời gian qua ở hầu hết các khu vực của Bắc Bộ, nhưng các nhà khoa học khẳng định: đây là một trong những hệ quả của hiện tượng El Nino.

Về mặt khí hậu, có thể cho rằng hiện tượng El Nino đóng vai trò quan trọng trong việc xuất hiện các trận mưa đá ở Bắc Bộ trong thời gian qua, do đối lưu mạnh mẽ xuất hiện khi không khí lạnh tràn về vùng đang chi phối bởi khối không khí nóng.

L.L.B

 

Theo Lao động, TTXVN