Sau hơn nửa năm hoạt động, Vinpearl Safari Phú Quốc – vườn thú bán hoang dã đầu tiên tại Việt Nam – đã bắt đầu chào đón thế hệ F1 của nhiều loài thú quý hiếm trên thế giới.
Loài hổ quý hiếm Bengal vừa liên tục cho ra đời hai cặp hổ con khoẻ mạnh. Đây là tin vui với các chuyên gia trong ngành và những người quan tâm tới loài động vật quý hiếm này. 4 chú hổ được đặt tên Phú, Quốc, Hiếu, Thảo.
Tại Vinpearl Safari, loài hổ quý châu Á Bengal được các bác sĩ thú ý chăm sóc thường xuyên. Nhờ đó, ngay khi cặp hổ cái C8 và C9 có sắp tới kỳ sinh sản, các bác sĩ đã nhanh chóng nhận ra. Kế hoạch cho hổ Bengal phối giống tự nhiên đã được lên lịch ngay lập tức. Tất cả bác sĩ và nhân viên vườn đều trong trạng thái “trực chiến” 24/24h. Trong ảnh là chú hổ mang tên Thảo khi mới sinh được vài ngày.
Sau 102 ngày kể từ thời điểm bắt đầu phối giống, 2 cô hổ cái Bengal đã mang thai được tách ra khu riêng. Ngày 1/6, cô hổ cái C9 đã sinh được hai chú hổ con, được các bác sĩ đặt tên là Phú và Quốc. 8 ngày sau đó, cô hổ C8 cũng sinh một cặp hổ con là Hiếu và Thảo. Những bước chân đầu tiên của Phú và Quốc tại Vinpearl Safari Phú Quốc.
Các chú hổ con được chăm sóc với chế độ đặc biệt: cứ mỗi 3 giờ lại được cho bú bằng sữa dành riêng cho thú họ mèo. Chỉ sau 4 ngày, các chú hổ đã mở mắt. Đến tuần tuổi thứ 3, các chú đã bắt đầu phân biệt quen – lạ, biết đùa nghịch và mừng khi gặp người chăm sóc. Anh Nhật – một chuyên gia tại Vinpearl Safari – coi Hiếu và Thảo như những đứa con của mình.
Không chỉ hổ Bengal, hàng loạt động vật quý hiếm cũng đang được bác sĩ và nhân viên Vinpearl Safari Phú Quốc giúp sinh sản thành công. Trong đó phải kế đến sự ra đời của một chú chuột túi xám (grey Kangaroo) – loài có kiểu sinh sản khó dự đoán vì sau khi giao phối thành công, con mẹ sẽ nuôi phôi non ngay trong túi bụng của mình.
Linh dương vằn Bongo sinh tại Vinpearl Safari đã được 6 tháng tuổi.
4 chú mèo đồng cỏ châu Phi sinh ra tại đây cũng đã được 5 tháng tuổi.
Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật Vinpearl Safari Phú Quốc hiện là môi trường sống lý tưởng của nhiều động vật quý hiếm trong khu vực và trên thế giới. Tại đây, loài thiên nga đen ngoại nhập cũng đã đẻ trứng. Trong ảnh, các chuyên gia của Vinpearl Safari đang làm vệ sinh để đưa trứng thiên nga đen vào máy ấp hiện đại, dự kiến nở sau 28 ngày.
Hổ Bengal – tên khoa học là Panthera tigris tigris – được tìm thấy nhiều nhất ở Bangladesh và Ấn Độ. Hiện tại chỉ còn khoảng 2.000 cá thể hổ Bengal còn sống ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, con số thống kê này đã giảm nhiều do môi trường sống thay đổi và nạn săn bắt gia tăng. |
Theo Zing