Các nhà khoa học đã xác định được rằng 70 nghìn năm trước một trận hạn hán nặng nề nhất đã xảy ra ở châu Phi, có thể đã làm thay đổi lịch sử phát triển loài người.
Tại Hội nghị Liên đoàn địa vật lý Mỹ, người ta đã thông báo rằng 70 nghìn năm trước hồ Malauy hiện dài gần 550km, sâu 700m, đã bị khô cạn một vài vùng có chiều rộng không quá 10km và sâu không quá 200m. Hồ Bousunvi, nằm ở miệng núi lửa và hiện rộng 10km, thời đó đã bị khô kiệt hoàn toàn.
Tình trạng khô kiệt như vậy chỉ có thể xảy ra khi hạn hán kéo dài trên cả châu lục. Phát hiện này thu hút sự chú ý của các nhà khoa học tại vì thời điểm diễn ra nạn hạn hán khốc liệt đó ở châu Phi trùng lặp với một trong những thời điểm then chốt được giả định trong sự tiến hóa của loài người.
Sau khi nghiên cứu mẫu thổ nhưỡng lấy từ dưới đáy hai chiếc hồ ở Đông Phi và hồ ở Gana, các nhà khoa học đã đi đến kết luận như vậy. Những mẫu thổ nhưỡng đó cho phép khẳng định rằng châu Phi xích đạo đã phải hứng chịu một thời kỳ hạn hán dai dẳng.
Các nhà khoa học cho rằng điều đó có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tổ tiên của con người hiện đại rời bỏ châu lục này và phân tán đi khắp thế giới.
Những ai còn ở lại châu Phi thì phải có sức khỏe cực kỳ dẻo dai mới có thể chịu đựng được những mất mát do hạn hán gây ra.
Các nhà khoa học Mỹ cho rằng nạn hạn hán đó gây ra tác hại tới cảnh quan nghiêm trọng đến mức không chỉ con người mà cả các loài vật sinh sống ở châu Phi đều không thoát.
Các công trình nghiên cứu về di truyền cho ta cơ sở để khẳng định rằng loài người hiện đại bắt nguồn từ một quần thể chừng 10 người sống ở châu Phi.
Các nhà khoa học giả định rằng ngay sau khi hết hạn hán, loài người bắt đầu sinh sôi nảy nở nhanh và nhiều tổ tiên của chúng ta đã di cư từ châu Phi tới Cận Đông, châu Á và châu Âu.
Các nhà khoa học ngày càng tin chắc rằng những thảm họa thời xa xưa đã ảnh hưởng trực tiếp tới vận mệnh loài người.
Theo VietNamNet/Khoa học Công nghệ