Hang cầu được ước thấy ở Sơn La

Tảng đá voi trắng gắn với truyền thuyết voi khổng lồ bị nhốt trong hang

Hang có tên là Chi Đảy (tiếng Thái, dịch ra có nghĩa là “sẽ được”), từ bao đời nay, những người dân tộc Thái vẫn rỉ tai nhau những câu chuyện kỳ lạ về hang động này.

  • 1

    Bẫy voi trắng khổng lồ

    Đi xe máy theo quốc lộ 6 rẽ vào con đường đi qua xã Cò Nòi (Mai Sơn) vượt qua đèo Cà Nài khoảng hơn 15 km, chúng tôi đến bản Đán (xã Yên Sơn, Yên Châu). Sau khi gửi xe ở nhà dân, chúng tôi phải đi bộ qua nương ngô, nương lúa và đoạn đường núi dài khoảng 3 km mới tới được chân núi Chi Đảy.

    Con đường đất dẫn lên núi Chi Đảy càng đến gần cửa hang thì càng khó đi. Dọc đường là những thân cây to có kích cỡ đến 3 người ôm bị đổ gãy chắn ngang đường, có đoạn phải bám vào từng hốc đá, tảng đá mới leo lên được.

    Tảng đá voi trắng gắn với truyền thuyết voi khổng lồ bị nhốt trong hang
    Tảng đá voi trắng gắn với truyền thuyết voi khổng lồ bị nhốt trong hang

    Còn đang lúng túng trước khi quyết định vào bên trong hang động chúng tôi may mắn gặp mấy người dân bản địa, sau khi biết chúng tôi là nhà báo từ dưới xuôi lên, anh thanh niên tên Bùi Văn Định người dân tộc Thái đã vui vẻ tình nguyện dẫn chúng tôi đi vào hang Chi Đảy.

    Vừa cầm chiếc đèn pin dẫn đường, anh Định vừa nói cho chúng tôi hay hang Chi Đảy gắn liền với rất nhiều những truyền thuyết lưu truyền từ đời ông cha:“Các cụ ngày xưa kể bản Đán vốn là một vùng đất hoang vu, là nơi định cư của người Thái. Cuộc sống của họ đang yên ổn thì bỗng một ngày trời nổi cơn giông tố, gió mạnh cuốn bay đi mất không biết bao nhiều nóc nhà, con người phải kéo nhau vào rừng trú ẩn.

    Cùng với cơn thịnh nộ của trời đất, ở bản Đán xuất hiện một con voi trắng khổng lồ, hung dữ đến dày xéo, phá hoại bản làng và các nương lúa, nương ngô. Những người trong bản Đán hò nhau đi giết voi nhưng vô ích, con voi quá khỏe và hung dữ đã giết hại gần hết những thanh niên trai tráng của bản.
     
    Lúc người dân gần như tuyệt vọng thì bỗng ở một góc bản bỗng nhiên rung chuyển dữ dội, rồi từ đâu một ngọn núi đùn lên, núi có một hang đá rộng lớn, con voi trắng thấy vậy liền chạy vào trong rồi từ đó người ta không thấy nó trở ra nữa. Cuộc sống người dân từ đó được yên ổn, an bình”.

    Tảng đá hình Phật đang ngồi thiền trong hang Chi Đảy
    Tảng đá hình Phật đang ngồi thiền trong hang Chi Đảy

    Truyền thuyết được anh Định chầm chậm kể cùng với những bước chân của chúng tôi tiến vào hang khiến cuộc hành trình càng thêm thú vị. Dừng chân ở nơi có một một miệng hang nhỏ thông tận ra bên ngoài khiến ánh sáng luồn vào tựa như một làn sương mỏng phủ lên các hốc đá, anh Định tiếp tục câu chuyện:
     
    “Sau khi voi trắng bị diệt những người dân ở bản đều cho rằng hang động vừa mọc lên là hang thần, do các vị thần tiên tạo ra để cứu giúp dân làng. Từ đó mọi người đặt cho hang có tên là Chi Đảy dịch là “sẽ được” tức là người đến hang động sẽ cầu được ước thấy đúng như tâm nguyện”.

    Ấy vậy nhưng theo lời anh Định kể, khi một số người thử vào bên trong động khám phá thì bắt gặp một đôi trăn khổng lồ nằm trấn giữ, không ai dám bước vào. Tuy nhiên, đôi trăn này dường như chỉ làm tròn bổn phận canh gác của mình chứ tuyệt đối không bao giờ làm hại người vô tội bao giờ.

    Sau này, nhiều người dân khi đi lấy củi qua đây hay vào hang vẫn nghe thấy tiếng rít gió rào rào trong hang động và thấy một đôi trăn rất lớn quấn vào nhau. Mỗi con ước chừng dài hơn 10m, thân to như cây chuối. Dân bản Đán đã lập bàn thờ thần trăn ngay trong hang.

    Phiến đá hình con rùa
    Phiến đá hình con rùa

    Nhiều người khi nghe câu chuyện kỳ bí về hang đã lặn lội tìm về đây xì xụp khấn vái. Lo ngại nhiều tệ nạn có thể xuất hiện, ông Vì Văn Ỏm (Chủ tịch xã bấy giờ) đã cho Công an đánh sập cửa hang để ngăn ngừa các đối tượng xấu có thể lợi dụng hang động làm nơi hoạt động mê tín dị đoan.

    Thế nhưng, không hiểu sao, dù đã đánh mìn với khối lượng lớn, cửa hang không hề lay chuyển. Cũng từ đó đến nay, đôi trăn thần đã không còn thấy xuất hiện nữa. Từ đây, quần thể hang Chi Đảy dần dần được khám phá, phát lộ.

  • 2

    Những phiến đá lạ kì

    Khi anh Định kết thúc câu chuyện truyền thuyết về hang “cầu được ước thấy” cũng là lúc chúng tôi bắt đầu tiến vào trong sâu cửa hang thứ nhất trong quần thể 3 hang động ở núi Chi Đảy. Cũng giống như một số hang động khác, nhũ đá chảy dài từ trên đỉnh hang rủ xuống như những tấm màn sơn thạch kỳ vĩ. Nhừng một điều đặc biệt đó là hang động ở đây có rất nhiều hình kỳ lạ.

    Hang đầu tiên được anh Định cho biết người dân bản địa gọi là hang Cha Đảy, dưới lòng hang động này là vô số những hòn đá tròn có hình thù giống hệt quả na với nhiều kích cỡ to nhỏ khác nhau nằm rải rác dưới nền đá.

    Người dân đổ lên hang
    Người dân đổ lên hang “cầu được ước thấy

    Nhiều quả na đá này xếp lại với nhau thành một núi na nhỏ như vụ thu hoạch na ở một trang trại lớn. Một số quả đã được đặt lên tảng đá to với nhiều que hương đã cháy hết cài cắm xung quanh. Khi tôi định đưa tay cầm lấy một quả lên xem cho biết thì anh Định khẽ xua tay bảo:
     
    “Ấy, nhìn thôi, chớ có động chạm. Chú không biết chứ hồi trước cũng có nhiều khách vào hang thấy đá quả na này đẹp mới nghịch ngợm rồi nhón một ít mang về nhà. Ít lâu sau người trong nhà cứ đau ốm liên miên, rồi còn bị báo mộng rằng phải mang trả thần hang”.

    “Thế rồi, không những phải mang trả đá, còn phải làm lễ tạ để tránh mang tai vạ”. Nghe anh ta nói vậy thôi thì “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” và cũng không muốn làm mất lòng người dẫn đường, tôi và anh bạn đồng nghiệp cũng chỉ dám cầm máy ảnh chụp chứ tuyệt nhiên không động chạm.

    Khám phá xong hang động thứ nhất, chúng tôi tiếp tục đi tới hang thứ hai. Hang động này còn tối hơn cả hang động trước, dưới nền đất là vô số những hòn đá tròn nhỏ như quả mận rải khắp nơi mà có người gọi đó là bãi bánh trôi.
     
    Phía dưới bãi đá nhỏ này là những thửa đá có bờ trông giống như ruộng bậc thang của người nông dân vùng cao và xen kẽ là những vũng nước giống ao hồ. Dọc lối đi trong hang còn có những khối đá có hình thù giống con rùa, cây bụt mọc, tòa sen được ai đó thắp hương cầu khấn.
     
    Có lẽ do quá khâm phục vẻ đẹp do thiên nhiên ban tạo, Phòng Văn hóa huyện Yên Châu sau 2 lần khảo sát hang này ngẫu hứng đã gọi đây là “Yên Sơn đệ nhất động”.

    Kỳ thú nhất là hang Thẳm Lượm, nằm cách hang Cha Đảy khoảng hơn 100 mét. Tại đây, chúng tôi còn được tận mắt chiêm ngưỡng bức tượng đá hình voi trắng gắn liền với truyền thuyết về sự hình thành quần thể hang động Chi Đảy.
     
    Bức tượng được tạo thành bởi hàng ngàn những thạch, nhũ đá được sắp xếp một cách kì lạ đúng hình một con voi trắng. Khi rọi đèn vào khối nhũ đá voi trắng tỏa ra một vầng sáng lấp lánh. Nhiều người sau khi chiêm ngưỡng đều ngỡ ngàng không thể tin “con voi trắng” do bàn tay thiên nhiên tạo nên bởi nó giống voi thật đến ngỡ ngàng và voi đá lại được trang điểm khắp thân sau một tấm thảm mành trắng bằng những nhũ đá nhỏ như tơ sợi dệt nên. Nhìn voi đá, tưởng như thể voi chiến của vua sắp sửa bước vào lễ hội ăn mừng chiến thắng.

    Càng vào sâu trong hang càng tối, dưới ánh sáng đèn pin hay đèn tích điện những hình ảnh kỳ thú khác nối tiếp nhau hiện ra. Những mỏm đá hình nấm linh chi đội nhau xếp thành ngọn tháp nhỏ bên vách đá. Những thác nước với cả chục bậc thang đẹp như tranh vẽ; khối đá độc như gà mái mẹ đang nằm ủ đàn con. Có thể nói, hang Chi Đảy như một báu vật tự nhiên ban tặng cho người dân Sơn La, là bức tranh sống động về hiện thực núi rừng Tây Bắc giàu có và bí hiểm.