Vooc Cát Bà và vượn mào đen phương Đông của Việt Nam nằm trong danh sách 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng.
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và nhiều tổ chức bảo tồn khác hôm nay cho biết, sự tồn tại gần một nửa trong số 634 loài động vật linh trưởng mà các nhà khoa học đã biết đang bị đe dọa ở một mức độ nào đó. Điều đáng lo ngại là số lượng loài bị đe dọa đang tăng dần.
“Linh trưởng là một trong những loài đối mặt với hiểm họa lớn nhất trong số các nhóm động vật có xương sống”, Russell Mittermeier, trưởng nhóm chuyên gia về động vật linh trưởng của IUCN, phát biểu với AFP.
Vượn mào đen phương Đông ở phía bắc Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: guardianweekly.co.uk |
Theo AFP, trong số 25 loài sắp tuyệt chủng có 5 loài trên quốc đảo Madagascar, 6 loài tại châu Phi, 3 loài ở Nam Mỹ và 11 loài tại khu vực Đông Nam Á.
Loài ít có cơ hội tồn tại nhất có thể là voọc Cát Bà (còn gọi là voọc đầu vàng) tại Việt Nam. Hiện nay người ta mới thống kê được 60-70 cá thể loài voọc này trên đảo Cát Bà. Số lượng cá thể của hai loài khác chỉ vào khoảng 100. Đó là loài vượn cáo ở phía bắc đảo Madagascar và loài vượn mào đen phương Đông ở phía bắc Việt Nam.
Hoạt động săn bắt của con người khiến số lượng khỉ đột lưng bạc – phân bố ở các dãy núi dọc theo biên giới Cameroon – Nigeria – giảm xuống dưới con số 300.
Các chuyên gia nhấn mạnh đôi khi những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất không phải là những loài hiếm nhất. Để bảo vệ động vật linh trưởng, các chính phủ cần ngăn chặn nạn chặt phá rừng và săn bắt trái phép.
Chẳng hạn, trước đây giới khoa học cho rằng có hơn 6.000 đười ươi Sumatra sống trên đảo lớn nhất của Indonesia. Nhưng do chính quyền không chú ý tới hoạt động bảo tồn nên giờ đây chúng trở thành một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Ngược lại, vượn mào đen phương Đông trên đảo Hải Nam, Trung Quốc là loài linh trưởng hiếm nhất thế giới.
“Nhưng các biện pháp bảo tồn nghiêm ngặt của chính phủ Trung Quốc khiến vượn Hải Nam không bị đưa vào danh sách những loài sắp tuyệt chủng”, AFP dẫn lời ông Simon Stuart, giám đốc ủy ban Sự tồn vong của các loài thuộc IUCN.
Tại khu vực Đông Nam Á, săn bắt động vật linh trưởng để lấy thức ăn và làm thuốc vẫn là hiểm họa lớn nhất. Thực trạng săn bắt tại Việt Nam và Lào đã lên tới mức “cực kỳ nghiêm trọng”, Stuart nhận xét.
Theo VnExpress