Hàng trăm loài mới phát hiện tại rặng san hô ở Australia (Phần I)

Hàng trăm loài mới phát hiện tại rặng san hô ở Australia (Phần I)

Hàng trăm loài vật mới đã làm ngạc nhiên các nhà nghiên cứu quốc tế đang thám hiểm vùng biển ở hai hòn đảo thuộc rặng san hô Great Barrier và rặng san hô ở tây bắc Australia trong khi hai vùng biển này từ lâu đã trở nên quen thuộc với các thợ lặn.

Đoàn thám hiểm phối hợp với dự án Khảo sát sinh vật biển toàn cầu (Census of Marine Life) đã giúp đánh dấu năm quốc tế của rặng san hô “International Year of the Reef”, đồng thời có được bản kiểm kê khoa học hệ thống đầu tiên về loài san hô mềm kỳ diệu được đặt tên là octocoral với 8 xúc tu bao quanh một polip.

Các nhà thám hiểm đã thu được một số kết quả ban đầu cũng như những bức ảnh lộng lẫy sau nỗ lực 4 năm nhằm ghi lại tính đa dạng của sự sống tại các rặng san hô lừng danh của Australia. Những khám phá tại đảo Lizard và Heron (thuộc rặng san hô Great Barrier) cũng như rặng san hô Ningaloo ở tây bắc Australia bao gồm:

– Khoảng 300 loài san hô mềm, một nửa trong số đó là loài mới.

– Hàng chục loài giáp xác nhỏ, có thể một hoặc nhiều họ trong số đó chưa hề được biết đến.

– Một loài giáp xác chân hai loại cực hiếm thuộc họ Maxillipiidae, có chân sau giống như cái roi kì dị lớn gấp 3 lần kích cỡ cơ thể. Chỉ có một số loài thuộc họ này được phát hiện trên thế giới.

– Loài giáp xác tanaid mới, chúng là những sinh vật giống tôm. Một số có móng dài hơn cả cơ thể.

– Loài sứa Cassiopeia cực hiếm được chụp ảnh khi đang lộn ngược ở đáy biển, những cái xúc tu của chúng uốn lượn theo cột nước. Đây là tư thế cho phép tảo cộng sinh sống trong tua của nó thu ánh sáng để quang hợp. 

Hàng trăm loài mới phát hiện tại rặng san hô ở Australia (Phần I)

Con Ctenophore, hay sứa phiến lược được phát hiện tại rặng san hô Wassteri, đảo Heron. (Ảnh: Gary Cranitch, bảo tàng Queensland, 2008).

Rất nhiều loài giáp xác chân hai loại vốn được coi là côn trùng trong thế giới dưới nước, trong số đó ước tính có khoảng 40 đến 60% sẽ được đặt tên chính thức lần đầu tiên.

Các nhà nghiên cứu đã áp dụng phương pháp mới nhằm chuẩn hóa đo lường về tình trạng, tính đa dạng và thành phần sinh học của các rặng san hô trên toàn thế giới đồng thời giúp tăng hiệu quả so sánh. Nhằm chuẩn bị cho các khám phá trong tương lai, thợ lặn phải cố định các cấu trúc bằng nhựa gồm nhiều lớp (có thể ví như ngôi nhà búp bê trống rỗng) để các sinh vật biển định cư tại đảo Lizard và Heron. Những ngôi nhà búp bê này là nơi cư trú hấp dẫn cho rất nhiều loài sinh vật biển. Chúng sẽ được thu thập thường xuyên trong vòng 1 đến 3 năm tới.

Tiến sĩ Ian Poiner cho biết: “San hô phải đối mặt với nhiều mối đe dọa từ axit hóa đại dương, ô nhiễm, vấn nạn nóng lên toàn cầu đến việc đánh bắt cá quá mức và sự bùng nổ số lượng sao biển. Chỉ khi thiết lập được ranh giới đa dạng sinh học với các con số điều tra con người mới có thể biết được ảnh hưởng của các mối đe dọa, từ đó tìm ra phương thức giảm nhẹ tác động của chúng”. Tiến sĩ Ian Poiner hiện là người điều hành Viện khoa học biển Australia (Australian Institute of Marine Science – AIMS).

Tiến sĩ Julian Caley, nhà nghiên cứu thuộc AIMS kiêm đồng tác giả của dự án nói trên, cho rằng ba rặng san hô được thám hiểm thuộc hai lòng chảo đại dương với mức độ đa dạng sinh học khác nhau.

Đặc điểm của ba khu vực này sẽ cung cấp đầu mối giúp dự đoán kiểu đa dạng sinh thái ở cả những rặng san hô đã được biết đến nhiều và những rặng san hô không mấy nổi tiếng.

Các nghiên cứu trước đó đã khám phá ra khác biệt đa dạng sinh thái lớn ở đảo Lizard và đảo Heron về phía nam thuộc rặng san hô Great Barrier . Ở đó có lượng san hô cứng nhiều hơn tới 30% còn cá thì nhiều hơn tới 40%. Nguyên nhân khác biệt trong đa dạng loài vẫn chưa được tìm hiểu rõ, nhưng sự trù phú ở khu vực này có xu hướng giảm theo khoảng cách từ xích đạo.

Rặng san hô Ningaloo có tính đa dạng sinh học thấp nhất trong số 3 rặng san hô khảo sát, điều này có lẽ liên quan đến vị trí tách biệt tương đối của nó đối với hệ thống các rặng san hô khác. 

Hàng trăm loài mới phát hiện tại rặng san hô ở Australia (Phần I)

Loài giáp xác chân hai loại (amphipod) có chân sau giống như cái roi kì dị. (Ảnh: dnr.sc.gov)

Hiểu được gradient đa dạng sinh học cùng với tác động của mối liên kết sẽ giúp các nhà khoa học dự đoán được tính đa dạng của các rặng san hô trên toàn thế giới.

Hàng năm người ta sẽ tiến hành thám hiểm ở ba khu vực này liên tục trong ba năm tới để khám phá và xác định tác động của biến đổi khí hậu cũng như những quá trình khác. Số lượng loài sống ở rặng san hô phát triển theo tỉ lệ nghịch với kích cỡ cơ thể, theo đó vi khuẩn phát triển mạnh mẽ nhất còn các loài động vật lớn hơn như san hô hay cá có số lượng nhỏ nhất.

Tiến sĩ Caley cho biết: “Tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên và thích thú khi phát hiện thấy rất nhiều sinh vật biển chưa hề được biết đến trước đây ở các vùng biển có thể dễ dàng lặn xuống thường xuyên, trong đó chủ yếu là san hô mềm, động vật đẳng túc, giáp xác tanaid và sâu”.

“Nếu đem kiến thức về sinh vật biển của chúng ta ra so sánh với những gì còn chưa biết thì chẳng khác nào lấy giọt nước so sánh với đại dương. Việc kiểm kê tính đa dạng lớn cùng với sự phong phú của sự sống trong vương quốc dưới nước đặt ra thử thách lớn cho cả khoa học và trí tưởng tượng”.

Bản kiểm kê hệ thống đầu tiên về san hô mềm ở rặng san hô Barrier

Cuộc thám hiểm đánh dấu khảo sát về san hô mềm đầu tiên, được đặt tên là octocoral với 8 xúc tu bao quanh một polip.

Các nhà nghiên cứu tin rằng khoảng 1/3 đến một nửa trong số hàng trăm loài san hô mềm phát hiện được là những loài mới.

Trong khi những sinh vật sặc sỡ này không cấu thành nên rặng san hô, chúng lại định cư ở một số vùng đã được nghiên cứu, bao phủ khoảng 25% diện tích đáy biển. Chúng cũng là môi trường sinh sống quan trọng cho các loài khác. Việc có thêm khoảng 150 loài san hô mềm mới có lẽ là nguồn bổ sung kiến thức lớn về nhóm sinh vật này. Mặc dù chúng phân bố rộng rãi trên toàn cầu nhưng những gì chúng ta hiểu được về chúng lại có số lượng gần như ít ỏi nhất.

Dù đã phát hiện được số lượng lớn loài mới, tiến sĩ Caley tin rằng vẫn còn rất nhiều loài mới sẽ được phát hiện trong chuyến thám hiểm trong tương lai. Kỹ thuật mã vạch ADN sẽ xúc tiến nhanh chóng quy trình nhận dạng loài mới trong tương lai.

 

Theo Trà Mi (ScienceDaily)