Một nghiên cứu cho thấy sẽ có ít nhất 3 tỷ người rơi vào cảnh thiếu thốn lương thực vào năm 2100, do hiệu ứng nhà kính khiến trái đất ấm lên. Viễn cảnh đen tối này có thể xảy ra với xác suất lên tới 90%.
David Battisti, một chuyên gia khí hậu của Đại học Washington cùng cộng sự, sử dụng 23 mô hình khí hậu do Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu thuộc Liên Hợp Quốc để dự đoán biến động của nhiệt độ trong một thế kỷ. Nhóm nghiên cứu chỉ tìm hiểu sự tăng giảm nhiệt độ trong các mùa trồng cây lương thực trên khắp thế giới. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp họ đánh giá tác động của hiệu ứng nhà kính đối với sản lượng lượng thực toàn cầu.
Kết quả cho thấy viễn cảnh nhiệt độ trung bình ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới tăng lên cao hơn thế kỷ trước có thể xảy ra với xác suất 90%. Với hơn 3 tỷ người sống ở những khu vực này vào năm 2100, tình trạng tăng nhiệt độ sẽ mang đến thảm họa. Do nhiệt độ khí quyển tăng quá cao, nước mưa có thể bốc hơi trước khi chạm mặt đất. Các mảnh ruộng sẽ khô cằn và bị sa mạc hóa. Người nông dân mất phương tiện sản xuất và không có lương thực để ăn.
Thảm họa sẽ không chỉ giáng xuống nước nghèo. Các mô hình cho thấy kiểu thời tiết nóng bức từng giết chết 52.000 người tại châu Âu vào năm 2003 sẽ trở nên phổ biến từ năm 2080 tại lục địa này.
Nông dân thu hoạch lúa mì trên một cánh đồng ở Ấn Độ. Ảnh: usnews.com. |
Đợt nắng nóng năm 2003 không chỉ cướp đi mạng sống con người, mà còn để lại nhiều hậu quả lâu dài đối với năng suất nông nghiệp của châu Âu. Nhiệt độ lên tới mức cao nhất trong mùa hè khiến sản lượng ngô tại Italy giảm 36% trong năm 2003, còn sản lượng trái cây của Pháp giảm một phần tư. Mùa hè năm 1972, tình trạng nóng bức ở miền đông nam Ukraina và tây nam nước Nga từng khiến sản lượng lượng thực của Liên Xô khi đó giảm 13%.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các đợt nắng nóng trên đất liền có thể làm giảm sản lượng lương thực toàn cầu. Nếu tình trạng thiếu lương thực xảy ra ở khắp nơi trên hành tinh vào cùng một thời điểm, thị trường lương thực toàn cầu sẽ rơi vào cảnh hoảng loạn”, David phát biểu.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để đối phó với hiệu ứng nhà kính, chúng ta cần chấp nhận những giống cây trồng biến đổi gene hoặc tạo ra những giống chịu nhiệt tốt. Thế nhưng hướng đi này cũng gặp nhiều trở ngại. “Sau khi tạo ra những giống mới, chúng ta phải trồng thử nghiệm, rồi trồng đại trà để lấy hạt giống. Quá trình này có thể mất tới hàng chục năm cho dù chúng ta đang có những công cụ hiện đại. Trong khi đó thì tình trạng thiếu lương thực có thể xảy ra trong vài năm tới”, Marianne Banziger, giám đốc Chương trình ngô toàn cầu thuộc Trung tâm nghiên cứu nâng cao chất lượng ngô và lúa mỳ quốc tế, nhấn mạnh.
Theo VnExpress (Newscientist)