Hàng vạn “bánh” băng bí ẩn trôi nổi trên sông Scotland

Hàng vạn

Các mảng băng với hình thù chiếc đĩa mỏng kỳ lạ đột ngột được phát hiện trôi nổi trên một con sông ở Scotland.

Nhà sinh vật học Jamie Urquhart đã ghi lại hình ảnh của hàng vạn “bánh” băng có kích thước bằng chiếc đĩa ăn trên mặt nước yên tĩnh của sông Dee ở Aberdeenshire, Scotland.

Theo các chuyên gia, nhiệt độ đóng băng khiến bong bóng nước đông đặc lại và các dòng chảy nhào nặn chúng thành hình tròn.

Thông thường, các bánh băng hình thành trên bề mặt đại dương hoặc hồ quanh vòng Bắc cực, nơi chuyển động của nước ngăn cản băng tạo lập các mảng bằng phẳng. Tuy nhiên, chúng đôi khi cũng xuất hiện trên các con sông khi nhiệt độ xuống thấp đủ mức.

Ông Urquhart cho biết: “Tôi thực sự đã nhìn thấy bánh băng trước đây trên sông Brora ở Sutherland cách đây vài mùa đông, nhưng chúng có kích thước nhỏ hơn nhiều so với một chiếc đĩa ăn. Đây là lần đầu tiên chúng tôi quan sát thấy chúng ở sông Dee. Chúng thực sự rất hiếm gặp và chỉ xuất hiện khi hội đủ điều kiện thuận lợi”.

Ở Bắc cực và Nam cực, các bánh băng thường hình thành ở những vùng biển động, nơi các tinh thể băng nổi lên bề mặt không thể gắn kết với nhau. Thay vào đó, các tinh thể hình cây kim tích tụ thành những chiếc đĩa hình tròn đầy tuyết tan.

Rìa vòng ngoài của mỗi chiếc đĩa nhô cao hơn do các bánh băng đâm vào nhau vì chuyển động của sóng đại dương.Tại Bắc cực, các bánh băng có thể kết dính với nhau để hình thành những dải xếp chồng lên nhau, đạt tới độ dày 18 mét ở nhiều điểm.

Các chuyên gia nhận định, đợt giá lạnh cực điểm tuần trước ở Scotland đã khiến các bánh băng hình thành. Tuy nhiên, họ hiện vẫn không rõ tại sao chúng chưa từng được nhìn thấy trên sông Dee trước đây.

 

Theo Vietnamnet, Daily Mail