Việc phá hủy hàng trăm cuộn băng bí ẩn và hai máy tính từ thời Apollo hạ cánh xuống Mặt Trăng của NASA bị cho là hành vi che giấu bí mật.
Một tài liệu mới đây công khai trên internet cho thấy hầu hết các băng từ nói trên bị xóa sạch vào năm 2015 đều không được đánh dấu, phân loại.
Tuy nhiên, một số đó chắc chắn liên quan đến Pioneer 10 và Pioneer 11 – sứ mệnh thăm dò sao Mộc và sao Thổ của NASA trong thời kỳ Apollo hạ cánh xuống Mặt Trăng. Phát hiện này đã dấy lên sự nghi ngờ của các nhà lý luận theo thuyết âm mưu rằng NASA đang giấu giếm điều gì đó.
Số băng từ và máy tính cũ được lưu trữ trong tầng hầm suốt mấy chục năm đã bị phá hủy hồi năm ngoái – (Ảnh: NASA).
Các tập tin này được lưu trữ trong tầng hầm của một kỹ sư của IBM trong hơn 50 năm. Người này từng làm việc cho NASA hồi những năm 60 và 70. Tất cả tài liệu hơn 40 năm tuổi ở trong tình trạng rất tệ, nhưng vẫn còn rõ dấu hiệu của Trung tâm Không gian Goddard NASA và Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực.
Khi ông qua đời, người thừa kế chuyển giao các tệp tin cho một đại lý phế liệu vào cuối năm 2015. Ngay trước lễ Giáng sinh năm 2015, đại lý phế liệu liên hệ với NASA để trả lại các tài liệu này.
“Làm ơn hãy cho NASA biết những thứ này không bị đánh cắp”, người bán phế liệu kể lại lời của người thừa kế: “Chúng thuộc về Trung tâm IBM Allegheny Pittsburgh, PA 15212. Trong khoảng thời gian 1968-1972, IBM đã định thanh lý những thứ này, người kỹ sư đã hỏi liệu ông có thể giữ chúng không và đã được chấp thuận”.
Sau đó, nhân viên NASA đến kiểm tra các hồ sơ và phát hiện ra rằng hầu hết các băng từ đều có từ năm 1967 đến năm 1974. Nhân viên của NASA đã nói với gia đình của kỹ sư đã qua đời rằng, họ sẽ phải phá hủy máy tính cũng như các tài liệu vì chúng không có giá trị lịch sử và quá khó để khôi phục.
Cơ quan không gian cho biết các tài liệu bị phá hủy vì chúng không có giá trị lịch sử và quá khó để khôi phục – (Ảnh: NASA).
Một quan chức đã ra lệnh phá hủy toàn bộ số băng: “Không có bằng chứng cho thấy tài liệu này có ý nghĩa lịch sử… Tôi đề nghị xử lý bằng việc phá hủy ngay lập tức tất cả các băng từ”. Việc xử lý đã được thực hiện theo Các yêu cầu về thủ tục của NASA – Nasa Procedural Requirements.
Theo một nhà lưu trữ của NASA, việc khôi phục dữ liệu lưu trữ trên băng rất tốn kém, mà không có gì đảm bảo rằng chắc chắn có thứ gì đó giá trị có thể được phục hồi từ cuộn băng “mốc”.
Thông tin trên đã thu hút sự chú ý của nhiều người, trong đó có người theo thuyết âm mưu đặt câu hỏi tại sao các kỹ sư lại quan tâm nhiều về các tập tin nếu chúng thật sự không có ý nghĩa.
Thêm nữa, một trong hai máy tính, nặng đến nỗi họ cần một cần trục để lôi ra khỏi tầng hầm, được dán nhãn số hợp đồng – NAS5-2154 – vốn không được đề cập đến trong hồ sơ nào của chính phủ Mỹ.
Theo khampha