Mặc dù được coi là hành tinh chết về mặt địa chất, song sao Thủy từng rất náo nhiệt bởi hoạt động của vô số ngọn núi lửa trên bề mặt cách đây vài tỉ năm.
Các hình ảnh mới nhất của tàu thăm dò Messenger, được công bố vào ngày 29/10, giúp chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài từ thập niên 70 tới nay về vai trò của núi lửa trong lịch sử tồn tại của Thủy Tinh.
Messenger đang bay trên quỹ đạo sao Thủy đã chụp được những bức ảnh vào ngày 6/10, khi hành tinh này gần Mặt trời nhất. Các bức ảnh cho thấy những dòng nham thạch khổng lồ trên bề mặt “hành tinh chết“, trong đó có cả những khối nham thạch cứng nằm ở độ sâu hơn 1.600 mét và những miệng núi lửa có đường kính gần 100 km.
Tàu Messenger cũng phát hiện một nếp gấp khổng lồ có độ cao khoảng 300 mét được hình thành bởi hiện tượng co lại của Thủy Tinh khi bề mặt của nó nguội dần. Nếp gấp này cao gấp gần hai lần so với nếp gấp trên bề mặt sao Hỏa, Maria Zuber, một chuyên gia thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), cho biết.
Một bức ảnh bề mặt sao Thủy do tàu Messenger chụp. (Ảnh: AP) |
Kết hợp với những hình ảnh mà Messenger chụp được vào ngày 14/1/2008, các nhà khoa học cho rằng sao Thủy từng chìm ngập trong nham thạch và khói bụi bởi hoạt động của hàng nghìn núi lửa trên khắp hành tinh.
“Những bức ảnh cho thấy núi lửa có vai trò rất quan trọng trong lịch sử của sao Thủy. Sự phun trào đồng loạt của chúng có thể đã xảy ra từ 3,8 đến 4 tỉ năm trước. Sao Thủy và phần còn lại của hệ mặt trời được hình thành cách đây khoảng 4,5 tỉ năm”, Mark Robinson, chuyên gia thiên văn học của Đại học Arizona (Mỹ), phát biểu.
Messenger đã lập bản đồ khoảng 30% bề mặt sao Thủy mà người ta chưa bao giờ nhìn thấy từ một phi thuyền. Tính đến nay, 95% bề mặt hành tinh này đã được lập bản đồ.
Kể từ khi Hiệp hội thiên văn quốc tế coi sao Diêm vương là một hành tinh lùn, sao Thủy trở thành hành tinh nhỏ nhất trong Thái dương hệ, với kích thước bằng một phần ba Trái đất và lớn hơn Mặt trăng một chút.
Theo Việt Linh – Vnexpress (Reuters)